Trùng tu di tích thành cổ Diên Khánh: Hạn chế sử dụng máy ủi, máy đào

(PLO)- Liên quan việc trùng tu, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, Cục Di sản văn hóa lưu ý việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới (máy ủi, máy đào)...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-7, ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản đồng ý về việc thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, huyện Diên Khánh.

Hơn 166 tỉ đồng trùng tu, tôn tạo di tích thành cổ 230 năm

Cũng theo ông Hiến, sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Di sản văn hóa, đơn vị sẽ tiến hành làm việc với nhiều bên liên quan, trong đó có cả các nhà nghiên cứu để thống nhất lần cuối cách thức trùng tu di tích thành cổ Diên Khánh.

p12-6-11-thanh-co-dien-khanh-anhlon-4852-921.jpg
Di tích thành cổ Diên Khánh là điểm đến nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Liên quan việc trùng tu, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, Cục Di sản văn hóa thống nhất việc xây dựng cầu bắc qua hào nước ở cổng Bắc; xây dựng năm tiểu công viên tại các góc thành; tôn tạo, chỉnh trang cầu cổng Đông, Tây, Nam; tôn tạo, xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho hộ thành hào, hệ thống thu gom nước thải.

Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng khu vực phía trong thành; nạo vét bùn đất, vệ sinh lòng hào và mái hào, chống thấm thành hào và đáy hào; xây dựng một trạm bơm; tôn tạo cây xanh dọc một bên của tuyến đường ranh giới bảo vệ phía trong thành.

Trước khi khởi công dự án, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích theo quy định, nhằm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, giá trị lịch sử của di tích.

Cục Di sản văn hóa lưu ý việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới (máy ủi, máy đào), nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành.

Đối với việc tôn tạo các gò đất tại tiểu công viên, các vị trí trồng cỏ tại mái gò, quá trình thi công không làm dốc phẳng và tạo ra cung tròn hoàn chỉnh (tránh gây ra ý kiến trái chiều về cấu trúc vốn có của các góc thành), mà cần tạo thành các mái dốc bám theo đường đồng mức tự nhiên, chỉ san gạt cục bộ để tôn trọng tối đa địa hình hiện trạng,…

thành cổ Diên Khánh.jpg
Cục Di sản văn hóa yêu cầu tránh tối đa tác động máy móc vào thành cổ Diên Khánh khi thực hiện dự án. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ngoài ra, quá trình dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị thi công và thi công các hạng mục của dự án cần có sự giám sát của cán bộ chuyên môn khảo cổ nhằm kịp thời đề xuất bổ sung việc thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc phát hiện, xử lý hiện vật khảo cổ (nếu có) theo quy định.

Cục Di sản văn hóa cũng lưu ý, các cơ quan liên quan tại địa phương chịu trách nhiệm đối với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Di dời khoảng 200 hộ dân bên trong thành cổ

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh có 12 hạng mục, gồm tu bổ, tôn tạo, phục hồi tuyến thành đất (hoàn thiện phần còn lại để tạo tuyến khép kín, gồm sáu đoạn tại các phía Đông Bắc, Tây Nam, Đông Nam, Tây Bắc, sát cổng Nam, sát cổng Bắc).

Xây dựng tuyến đường lát gạch thẻ bên ngoài ranh giới bảo vệ phía trong thành; xây dựng ba bãi đỗ xe; xây dựng hai khu vệ sinh công cộng (tại tiểu công viên số 1 và số 3),...

Từ 2018, dự án này được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua lần đầu, với mức đầu tư 76 tỉ đồng. Thời điểm đó, dự án do Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa (nay là sở VH&TT) làm chủ đầu tư và đã được xem xét, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay dự án trên chưa thể thực hiện.

thị trấn Diên Khánh.jpg
Các hộ dân bên trong thành cổ Diên Khánh sẽ được di dời, tái định cư. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đến ngày 7-4-2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa lần nữa thông qua chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, tại Nghị quyết số 6.

Theo đó, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí đầu tư hơn 166,8 tỉ đồng, do Ban quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Dự kiến, dự án sẽ giải tỏa, tái định cư đối với toàn bộ cư dân nằm trong vùng bảo vệ di tích. Có khoảng 200 hộ gia đình phải giải tỏa, dự kiến được tái định cư ở một vị trí khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Hiến, đến nay việc thẩm định tổng mặt bằng, niêm yết, lập báo cáo khả thi đã thực hiện xong.

“Đây là di tích quốc gia nên tất cả phương án tôn tạo, trùng tu phải trình, xin ý kiến của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL. Cuối 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt dự án, hiện đơn vị đã trình thẩm định bản vẽ thiết kế thi công dự toán lên Sở Xây dựng, dự kiến tuần sau sẽ phê duyệt” - ông Hiến nói và cho biết tháng 9-2024 dự án sẽ chính thức khởi công.

Thành cổ Diên Khánh được xây dựng và hoàn thành vào năm 1793, trên diện tích khoảng 36.000 m2 là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban (phong cách kiến trúc thành lũy để phòng thủ do Vauban - kiến trúc sư người Pháp tạo nên).

Thành cổ có hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, tường thành đắp bằng đất cao khoảng 3,5 m. Bên ngoài tường thành là hào nước sâu từ 3-5 m, rộng từ 20-30 m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt.

Theo sử liệu, xưa kia thành có sáu cổng ra vào nhưng nay chỉ còn bốn cổng là Đông, Tây, Hậu (cửa Bắc) và cửa Tiền. Hai cửa Tả và Hữu đã bị lấp năm 1823.

Di tích thành cổ Diên Khánh xây dựng cách đây tròn 230 năm, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm