Không lời nào có thể biện minh cho việc người có chức vụ, quyền hạn hoặc đã từng đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn nào đó vượt qua các giới hạn trong xử sự công vụ cũng như các hành xử khác ngoài xã hội, được pháp luật xác lập.
Bởi lẽ ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt được phép vượt qua các giới hạn do pháp luật quy định (sức khỏe, an ninh trật tự, an toàn xã hội…) thì sự bước qua giới hạn chính là dấu hiệu đầu tiên chống lại anh. Bởi các giá trị mà anh đang có, được xác lập bởi luật pháp, văn hóa không cho phép anh làm điều đó.
Rõ ràng câu chuyện đúng sai trong vi phạm giao thông chỉ cần thời gian xác minh, đối chiếu chứng cứ thì ra ngay. Còn câu chuyện lồ lộ ra trước mắt công luận là các hành xử thiếu chuẩn mực của ông Liêm khi đối chiếu với những vị trí xã hội mà ông Liêm đang có.
Dư luận hoàn toàn có thể chia sẻ với tướng Liêm nếu quả thật chiếc xe ông đang ngồi có thể vượt quá tốc độ quy định trong các hoàn cảnh đặc biệt. Còn nếu không, cả cái vị thế xã hội mà ông đang có cũng khó ủng hộ ông trong việc bất tuân hiệu lệnh của CSGT. Nhất là việc ông áp chế bằng những lời lẽ mang hơi hướng quyền lực (đòi cho thôi việc cả anh trung úy và cách chức này nọ).
Ai cũng thấy rằng mối tương quan công vụ trong trường hợp này không phải là chiếc hàm trung tướng tướng Liêm đang mang với chiếc hàm trung úy mà anh CSGT đang đeo, mà nó là những xử sự của hai bên theo thước đo của luật pháp. Tất nhiên ở đây anh CSGT là người được Nhà nước trao cho quyền lực để thực thi pháp luật, còn tướng Liêm và tài xế của ông đang ở chiều ngược lại. Ấy vậy mà điều này dường như đã bị đảo lộn khi người dân phải chứng kiến những lời lẽ không mấy êm tai của ông Liêm đối với anh trung úy đang thực thi công vụ.
Chiếc hàm trung tướng của ông Liêm, các chức vụ của ông Liêm từng kinh qua tất nhiên đều rất cao so với những gì mà cá nhân anh CSGT đang có nhưng dù có to mấy đi chăng nữa thì nó cũng không thể to hơn luật pháp mà ông Liêm với vị trí của mình buộc phải tuân thủ, nếu không muốn nói là tuân thủ ở mức tốt hơn so với những người dân bình thường khác.
Quyền lực vốn là con ngựa bất kham khi chiếc vòng cương tỏa của luật pháp thoát khỏi ý chí những người cầm cương. Chuyện chiếc xe công (không rơi vào trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định) lấn làn, lấn tuyến, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn chết người, hoặc những cán bộ công quyền lạm quyền bắt nạt, bạo lực với người khác đã xảy ra không ít thời gian qua. Điều đó có thể bắt đầu từ sự ngộ nhận quyền lực và thói quen “sử dụng uy quyền” trong hành xử.
Tất nhiên nó bắt đầu từ đâu thì phải lấy căn nguyên từ đó mà xử lý. Quyền lực phải được đặt đúng vị trí. Quyền lực vốn chỉ có giá trị khi nó được hành xử đúng mực và tạo ra các giá trị tích cực xã hội.