Trước khi đậu mùa khỉ vào Việt Nam, Bộ Y tế đã làm gì để ứng phó?

(PLO)- Trước khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên qua giám sát dịch tễ, ngành y tế Việt Nam đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo ứng phó, giám sát, chẩn đoán điều trị và phòng bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-10, tại cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV năm 2022, PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP vừa phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên qua giám sát dịch tễ.

Liên quan đến công tác phòng chống đậu mùa khỉ tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, giám sát, phát hiện sớm, điều trị, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị...

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp, qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp, qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Hồi tháng 5-2022, khi Châu Âu ghi nhận nhiều ca mắc đậu mùa khỉ, ngành y tế Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương về tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ, chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, xác định ca bệnh.

Các Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, các cơ sở y tế. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời.

Kế tiếp, Bộ Y tế đã xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời có văn bản gửi các Sở Y tế đề nghị tăng cường giám sát tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện cộng đồng để phát hiện sớm ca đậu mùa khỉ.

Tiếp đến, tháng 8-2022, Bộ Y tế ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh. Tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất nên che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản gừi các cơ sở đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, để chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Chiều 3-10, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm