Vụ việc xảy ra tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Người tố cáo cho rằng mình đến điểm hẹn để đánh nhau thì bị công an xã bắt giữ, còng tay đưa về trụ sở. Tại đây, anh bị trưởng công an xã liên tục đánh vào ngực, mặt khiến chảy máu tai, rách màng nhĩ...
Chưa kịp đánh nhau thì bị bắt
Gặp PV Pháp Luật TP.HCM, anh Nguyễn Thanh Phong (21 tuổi, ngụ ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) trình bày: Tối 24-1, anh có mâu thuẫn với một người tên Hậu nên hẹn ra cây xăng Hưng Lộc để đánh nhau. Phong mang theo con dao tự chế đến điểm hẹn, có nhìn thấy Hậu nhưng hai bên chưa kịp đánh nhau thì bị Công an xã Hưng Lộc (lúc đó có mặt ông Phùng Phan Thiết, Trưởng công an xã) bắt giữ.
Theo lời Phong, anh bị còng hai tay ra phía sau, đưa về trụ sở Công an xã Hưng Lộc. Tại đây ông Thiết chưa hỏi rõ vụ việc, cũng không cho anh trình bày mà lập tức đấm đá liên tiếp vào ngực và mặt anh. “Tôi van xin nhưng ông Thiết không ngừng lại. Ông còn dùng tay vỗ mạnh vào hai bên tai khiến tôi choáng váng. Một lúc sau thấy tôi quỵ xuống, ông mới dừng tay và tháo còng tay. Lúc đó có mặt hai công an viên xã nhưng chẳng ai can ngăn. Khi về tới nhà, máu trong tai tôi cứ chảy ra, một lúc sau lại ngất xỉu nên mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu” - Phong kể lại.
Cha của Phong, ông Nguyễn Vạn Năng, cho biết thêm khi Phong loạng choạng về tới nhà thì vùng mặt, vùng bụng, ngực bị tím bầm, máu tai chảy ra nhiều. Chưa kịp hỏi thì Phong ngất xỉu nên gia đình đưa vào BV Đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai cấp cứu. Sau gần một tuần điều trị, Phong mới xuất viện. Trên giấy xuất viện ghi anh bị chấn thương vùng đầu, chấn thương thành bụng và rách màng nhĩ phải.
“Ngay sau đó con tôi có làm đơn tố cáo ông Thiết gửi các cơ quan chức năng huyện Thống Nhất. Công an điều tra huyện Thống Nhất đã ba lần mời con tôi lên làm việc nhưng đến nay đã sáu tháng vẫn chưa có câu trả lời” - ông Năng bức xúc.
Ông Năng và những tấm ảnh chụp lại những thương tích trên người anh Phong. Ảnh: VŨ HỘI
Giấy xuất viện của anh Phong.
Huyện bảo: Hỏi tỉnh, tỉnh chỉ: Hỏi huyện
Chiều 24-6, để có thông tin đa chiều, PV đã liên hệ với Công an huyện Thống Nhất để xác minh vụ việc. Tại phòng trực ban, Trung tá Bùi Hoàng Sơn tiếp nhận giấy giới thiệu và nội dung đơn tố cáo do PV cung cấp, sau đó trình lãnh đạo xin ý kiến. Khoảng 10 phút sau, Trung tá Sơn quay lại cho biết: “Lãnh đạo nói vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra. Khi nào có kết luận chính thức sẽ báo cáo ban giám đốc công an tỉnh, lúc đó công an tỉnh sẽ cung cấp thông tin”.
PV đề nghị được gặp trực tiếp lãnh đạo công an huyện để hỏi: Vụ việc xảy ra đã nửa năm, đến nay kết quả điều tra ban đầu như thế nào? Vì sao không có phản hồi gì để người tố cáo biết vụ việc đang được giải quyết tới đâu? “Không gặp được, lãnh đạo công an huyện đã nói vậy rồi thì anh cứ lên ban giám đốc công an tỉnh để lấy thông tin” - Trung tá Sơn trả lời.
PV liên hệ với Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, người phát ngôn của Công an tỉnh Đồng Nai, với mong muốn có được câu trả lời thỏa đáng hơn. PV cũng đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện để được làm việc với lãnh đạo Công an huyện Thống Nhất. Sau khi trao đổi nội dung vụ việc, Đại tá Thọ cho biết: “Vì đây mới là đơn tố cáo nên công an tỉnh không thể chỉ đạo công an huyện cung cấp thông tin được. Còn về nội dung vụ việc công an tỉnh chưa nắm, công an huyện cũng chưa thấy báo cáo lên”.
PV tiếp tục tới trụ sở Công an xã Hưng Lộc để tìm gặp người bị tố cáo là Trưởng Công an Phùng Phan Thiết. Tuy nhiên, ông Thiết không có mặt tại trụ sở. Một công an viên cho biết “sếp” đi họp trên huyện. Trao đổi qua điện thoại, khi nghe PV hỏi ý kiến, ông Thiết nói ngay: “Cái này công an huyện đang làm, tôi không có chức năng phát ngôn hay trả lời bất kỳ điều gì. Có gì cứ lên công an huyện hỏi”.
Có người đề nghị bỏ qua để nhận bồi thường? Phong cho biết trong hai lần đầu được công an huyện mời lên làm việc thì điều tra viên tên là Xuân lấy lời khai. Đến lần làm việc thứ ba (tháng 4-2016) thì gặp một điều tra viên khác tên Nam. Sau khi lấy lời khai, điều tra viên Nam đưa biên bản cho Phong đọc nhưng anh thấy nhiều nội dung không đúng như những gì đã khai nên không ký. “Tôi và Hậu chưa đánh nhau thì đã bị công an bắt rồi, vậy mà trong biên bản điều tra viên Nam đưa cho tôi lại có nội dung: Phong và Hậu đã đánh nhau để lại thương tích. Tôi vừa nói không ký thì anh Nam đập bàn hăm dọa. Vì sợ hãi, tôi phải ký để ra về” - anh Phong kể. Còn ông Năng cho biết sau khi Phong tố cáo, có một người đàn ông tên là Bé Hai (nhà ở xã Hưng Lộc) đến gặp ông đề nghị bỏ qua vụ việc và sẽ nhận được tiền bồi thường. Tuy nhiên, ông không đồng ý. Gần một tháng sau, có một người tên Thái, tự xưng là công an, cũng đến nhà yêu cầu gia đình không thưa kiện tố cáo sẽ được bồi thường nhưng ông vẫn từ chối. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ hành vi đánh người của ông Thiết” - ông Năng bày tỏ. |