Ngày 9-3, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Duy Nhất (cựu trưởng văn phòng đại diện Trung Trung bộ của báo Đại Đoàn Kết) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Trương Duy Nhất và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phan Văn Anh Vũ (bìa phải) tại tòa sáng 9-3. (Ảnh chụp qua màn hình) Ảnh: TP
Theo cáo trạng, năm 1996, báo Đại Đoàn Kết có công văn đề nghị UBND TP Đà Nẵng cấp hoặc cho thuê một địa điểm thuận lợi trong TP để làm trụ sở văn phòng đại diện, đồng thời giao ông Nhất liên hệ với chính quyền địa phương về việc này.
Cơ quan truy tố nhấn mạnh báo chỉ muốn được cấp hoặc thuê chứ không có chủ trương xin mua nhà công sản nhưng ông Nhất lại liên tiếp làm ba công văn gửi UBND TP để xin mua nhà, đất 82 Trần Quốc Toản, từ đó phát sinh các sai phạm sau này.
Tại tòa, ông Nhất thừa nhận việc báo Đại Đoàn Kết từng có công văn xin thuê nhà. Tuy nhiên, khi bị cáo liên hệ, TP Đà Nẵng trả lời rằng không có chủ trương cho thuê, mượn mà chỉ bán. Việc này được TP trả lời công khai tại các cuộc họp giao ban báo chí.
Ông Nhất khẳng định đã báo cáo việc này với các đời tổng biên tập của báo, dù vậy, “không phải việc gì cũng báo cáo bằng văn bản mà có thể trực tiếp hoặc trong cuộc họp”.
Về ba văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, ông Nhất thừa nhận đúng là chưa báo cáo ban biên tập nhưng cho rằng các phương án đang trong quá trình thực hiện, không có quy định nào buộc phải báo cáo.
Cũng theo bị cáo, sau khi được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận bán nhà, đất, bị cáo và Công ty Xây dựng 79 có ký hợp đồng nguyên tắc, thỏa thuận các phương án, trong đó báo không cần bỏ ra bất cứ một chi phí nào vẫn sẽ được sử dụng tầng hai của căn nhà trong vòng 30 năm.
Sau đó, bị cáo cùng Phan Văn Anh Vũ và lãnh đạo Công ty Xây dựng 79 đã ra Hà Nội để làm việc với ban biên tập hai lần.
“Đây là tôi chủ động ra báo cáo chứ không phải sau khi bị phát hiện mới ra để hoàn tất thủ tục nhằm đối phó” - bị cáo nói và cho rằng ban biên tập có thể đồng ý hoặc không đồng ý với đề xuất của mình.
Khai tiếp, cựu trưởng văn phòng báo Đại Đoàn Kết cho biết sau các cuộc làm việc trên, ban biên tập nhận thấy phương án có lợi cho báo nên chấp nhận và ủy quyền cho bị cáo tiếp tục thực hiện. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất tại 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79 được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Đáng chú ý, HĐXX hỏi ông Nhất về mối quan hệ với Phan Văn Anh Vũ - người được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ông Nhất cho rằng mình biết ông Vũ như nhiều người khác, bởi với vai trò là trưởng văn phòng đại diện của báo thì có quen nhiều quan chức chính quyền cũng như doanh nghiệp trên địa bàn.
Bị cáo khẳng định không hưởng lợi bất cứ điều gì trong vụ án này. Mục đích của bị cáo trong việc mua nhà, đất là làm theo nhiệm vụ được ban biên tập giao, đáp ứng nhu cầu văn phòng đại diện có một nơi làm việc khang trang, tránh việc nay chuyển chỗ này, mai chuyển chỗ khác.
“Tôi không có sai phạm, nếu có sai phạm thì đó là tổng biên tập, vì tôi thực hiện theo ủy quyền của tổng biên tập” - bị cáo nói.
HĐXX đặt vấn đề liệu việc thực hiện ủy quyền đó có đúng hay không? Ông Nhất tiếp tục cho rằng sự ủy quyền đó là đúng, nếu sai thì người ủy quyền phải chịu trách nhiệm. Bị cáo phải làm theo sự phân công và quyết định của tổng biên tập.
Không xử hình sự cựu tổng và phó tổng biên tập Trong vụ án này, ngoài bị cáo Trương Duy Nhất, cơ quan tố tụng còn cho rằng các ông Lê Quang Trang (cựu tổng biên tập) và Bùi Thượng Toản (cựu phó tổng biên tập) có liên quan. Hai ông này đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, xác định Công ty Xây dựng 79 không phải đối tượng được mua nhà, đất công sản nên đã ủy quyền cho ông Nhất trong việc thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng nhà, đất tại 82 Trần Quốc Toản. Hành vi trên có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên xét tính chất, mức độ hành vi, cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự. |