Trường học được tự tổ chức, đấu thầu hoạt động căn tin, giữ xe

(PLO)- Theo Sở Tài chính TP.HCM, trường học có thể tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động căn tin, giữ xe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Tài chính TP.HCM vừa có văn bản số 5907 về việc lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập.

hoạt động căn tin
Trường học tổ chức hoạt động căn tin để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Trong ảnh: Căn tin tại một trường học trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo đó, Sở Tài chính TP.HCM nêu, sau khi căn cứ các văn bản, quyết định, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động căn tin, giữ xe, bếp ăn... phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Trường hợp đơn vị thực hiện đấu giá cho thuê (tài sản công không sử dụng hết công suất và đáp ứng 08 yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) thì phải lập đề án, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hiện, Sở Tài chính đã tiếp nhận và có ý kiến đối với 745/745 Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của đơn vị sự nghiệp công lập (đa số các Đề án của các đơn vị đều nhằm mục đích làm hoạt động căn tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... tại đơn vị) gửi về đơn vị để nghiên cứu thực hiện. Đến nay, đã có 05 đề án được UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.

Từ đó, Sở Tài chính đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (đơn vị đã lập đề án và nhận được ý kiến góp ý của Sở Tài chính) rà soát, tiếp tục thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện, cụ thể:

Trường hợp tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động căn tin, giữ xe thì phải báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện, gửi về cơ quan quản lý cấp trên (các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện) tổng hợp, gửi về Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND TP khi có yêu cầu.

Trường hợp tiếp tục thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê đề nghị đơn vị căn cứ cơ sở pháp lý, đề cương chi tiết khi xây dựng đề án của Sở Tài chính lập và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Sở Tài chính để chỉnh lý, hoàn thiện đề án (cần nêu rõ nội dụng nào tiếp thu và đã chỉnh sửa trong đề án; nội dùng nào không tiếp thu, giải trình cụ thể lý do....); có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, có ý kiến để trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.

Ngày 01-02-2024, Bộ Tài chính có công văn số 1347 về tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị định phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM, trong đó có nội dung: “Đối với các vấn đề như báo cáo của UBND TP.HCM chủ yếu liên quan đến việc các đơn vị sử dụng tài sản làm căn tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… tại đơn vị.

Đối với nội dung này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151 (hiện đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 182 ngày 17-8-2023) đã bổ sung quy định để phân định rõ các trường hợp phải lập đề án và các trường hợp không phải lập đề án.

Theo đó, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị (như cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác,…) thì đơn vị không phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm