Thầy Võ Tấn Đạt, Hiệu trưởng trường, đã chia sẻ tình cảm với chương trình, với các em nhỏ ở đảo.
Tôi sinh ra bên dòng sông Cái, ngay cửa biển. Từ nhỏ, tôi đã hay đứng ở đây nhìn ra biển khơi, hình dung phía sau màu xanh khoài khơi xa kia là những hòn đảo, bãi nổi, bãi chìm thiêng liêng và những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen ấy. Trong hình dung của tôi có thêm hình ảnh những bà con ngư dân sinh sống và con em học ngoài đó. Cảm xúc những lúc đó thật dạt dào khó tả.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, trưởng Ban Chỉ đạo chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, đến thăm và ghi nhận những đóng góp của trường Lộc Thọ vào tháng 1-2014. Ảnh: HV
Hè năm 2013, khi vừa đọc thấy dòng tin Pháp Luật TP.HCMphát động chương trình, tôi rất bồi hồi. Đêm đó, tôi vạch kế hoạch ngay. Tôi hiểu cần làm một điều gì đó cho Trường Sa, đồng thời qua đó góp phần giáo dục cho học sinh về biển, đảo đất nước mình.
Chỉ trong vòng một tháng phát động, các phụ huynh, các em học sinh, giáo viên nhà trường đã đóng góp nhiều nhất trong số các phong trào của trường từ trước đến nay. Chúng tôi chuyển các đóng góp đó cho việc xây trường ở đảo Sinh Tồn, trao hỗ trợ cho một số gia đình quân nhân ở đảo có hoàn cảnh khó khăn...
Trong thời gian đó, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động khác như triển lãm tranh ảnh về cuộc sống ở Trường Sa. Không khí lúc ấy rất sôi động, các em ngồi đâu cũng nói chuyện về Trường Sa, nói về cảm nhận, tình cảm của mình với vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nói về những thiếu thốn của các bạn nhỏ đang học tập và sinh sống ngoài đảo.
Một số mạnh thường quân khác thấy vậy cũng cùng chung cảm xúc và âm thầm đóng góp, không nêu tên. Có người ở xa thì nhờ người khác đến trao tiền. Phát huy tinh thần đó, hai năm nay, các em học sinh cũng góp sách, vở tặng cho các bạn ở các điểm đảo.
Hình ảnh ngôi trường mới, bạn bè ở Trường Sa, phương tiện học tập ở nơi đó được lồng ghép vào những bài giảng lịch sử, địa lý, văn học. Riêng tôi, đã 38 năm dạy văn, những cảm xúc từ các câu chuyện An Tiêm, trận hải chiến sau này trên quần đảo Hoàng Sa, những tình cảm dành cho Trường Sa thân yêu… luôn khiến tôi có những rung động đặc biệt khi truyền đạt kiến thức cho các học trò.
THANH MẬN ghi
Ngôi trường của tình yêu, trách nhiệm đã hoàn thành Vào thời điểm này, tháng 4-2014, ngôi trường mơ ước chuẩn bị được khánh thành với quy mô hai tầng, sáu phòng học dành cho các lớp từ mầm non đến lớp 5; có thư viện, phòng giáo vụ, phòng công vụ cho giáo viên, sân chơi, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt và các trang thiết bị cơ bản trên khuôn viên hơn 300 m2… Trước đó, ngày 30-8-2013, Quỹ học bổng Vừ A Dính, báo Pháp Luật TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM tiếp tục mở cuộc phát động gây quỹ “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” giai đoạn 2: Xây trường trên đảo Sinh Tồn (thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, Khánh Hòa). Sau quá trình phát động, chương trình nhận được sự đóng góp nhiệt tình của các tấm lòng vàng. Sáng 31-10-2013, chương trình đã làm lễ sơ kết bước 1, trao 6 tỉ đồng xây trường cho ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa. Đến ngày 8-12-2013, công trình xây dựng trường tiểu học chính thức được khởi công, đánh dấu một ngày đặc biệt quan trọng đối với các thầy trò, phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương xã đảo Sinh Tồn. |