Truy trách nhiệm trong vụ lọc dầu Nghi Sơn

Đại biểu (ĐB) Trần Quang Chiểu (Nam Định) là ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (QH), người đã “đeo đẳng” vấn đề Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn từ đầu nhiệm kỳ. Ngày 5-11, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại QH, một lần nữa ông nêu chất vấn về việc trên.

“Tại kỳ họp thứ 2 tháng 10-2016, tôi đã phát biểu những thiệt hại về kinh tế của quốc gia do Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh GGU đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, vì cơ chế mà GGU gọi là ưu đãi thuế nhập khẩu ba năm 7% cho dự án” - ĐB Trần Quang Chiểu nêu.

Ông nói báo cáo giám sát chuyên đề đối với GGU đã được gửi đến Chính phủ, QH và các cơ quan chức năng. Theo tính toán, sau khi trừ đi một số chi phí thu được từ dự án thì số tiền phải bỏ ra trả thêm cho các nhà đầu tư là 36.730 tỉ đồng nếu giá dầu là 50 USD/thùng; 47.870 tỉ đồng nếu giá dầu là 60 USD/thùng; 64.580 tỉ đồng nếu giá dầu là 75 USD/thùng và 88.100 tỉ đồng nếu giá dầu là 100 USD/thùng.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Petro Times 

Theo ông Chiểu, có ba cam kết mà Chính phủ tiền nhiệm đã ký với nhà đầu tư và đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu. “Chắc chắn không phải là nhỏ, nó phải là hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí là hàng chục ngàn tỉ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu ba năm 7% như nêu trên thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn. Có phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay hay không?” - ông Chiểu đặt vấn đề.

Ông Chiểu ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm rất tích cực, bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả ngoại giao nhà nước, ngoại giao chính phủ để giải quyết vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được phương án và giải pháp tối ưu nhất.

“GGU là thỏa thuận quốc tế nên chúng ta không thể nói là không thực hiện. Số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay gián tiếp thông qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia, tức là thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau” - ông Chiểu đặt vấn đề.

“Chắc chắn không phải riêng tôi băn khoăn, tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật? Phải chăng đây không phải là gỗ, là củi mà đây là sắt, là thép, thậm chí là kim cương. Vì vậy, rất cần sớm có câu trả lời công khai trách nhiệm từ các cơ quan chức năng” - ông Chiểu nói.

Tại kỳ họp thứ 2 hồi tháng 10-2016, ngoài ĐB Chiểu thì ĐB Nguyễn Đức Kiên (lúc đó là phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) cũng đề cập đến vấn đề này. Theo ĐB Kiên, trong dự toán ngân sách năm 2017, Chính phủ có nói sẽ thu được thuế tiêu thụ đặc biệt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 538 tỉ đồng. Ông Kiên đề xuất Chính phủ cân nhắc lại trong thỏa thuận đầu tư đối với các nhà đầu tư dự án Nghi Sơn.

Cũng năm 2016, căn cứ vào Hiến pháp 2013, ĐB Chiểu chỉ ra rằng: Chính phủ đã làm trái thẩm quyền khi cam kết ưu đãi nhà đầu tư như trên và đề nghị Chính phủ phải giải trình. ĐB Chiểu còn đề nghị thành lập đoàn giám sát đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Lúc ấy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không trả lời chi tiết về những đề nghị của các ĐB. Thay vào đó, ông nói: “Chúng tôi đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ban cán sự đảng, Chính phủ. Vì ở đây có những vấn đề liên quan đến nghị quyết của Bộ Chính trị. Ví dụ, phần để lại cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam theo Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Chúng tôi có báo cáo lại và cái này chắc phải báo cáo lại để Bộ Chính trị tiếp tục xem xét”.

Trong phần trao đổi tại QH ngày 5-11, bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục không đề cập đến ý kiến của ĐB Chiểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm