Như PLOđã đưa tin, mới đây Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM đã chuyển đơn của bà Đặng Thị Hàn Ni (đang bị tạm giam) cho Văn Phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về việc tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng có hành vi giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng phạm tội.
Bà Hàn Ni tố cáo qua những lần bà Hằng livestream chửi bới, vu khống, xúc phạm mình có sự giúp sức của ông Huỳnh Uy Dũng (chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Văn hóa Đại Nam, chồng của bà Nguyễn Phương Hằng).
Từ sự việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Theo quy định hiện nay người đang bị tạm giam, tạm giữ có những quyền gì?
Trao đổi với PLO, Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hiện nay quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, người bị tạm giam có các quyền như: Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định; được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật...
Khoản 3, Điều 19 của Luật này cũng quy định người bị tạm giam chỉ bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 30 Hiến pháp 2013, mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, có thể thấy người đang bị tạm giam có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi vi phạm pháp luật ở đây có thể là hành vi của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của cá nhân, tổ chức khác xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.