Có nhiều cách để thi hành án tử hình từ xưa đến nay như ném đá, phanh thây, đóng đinh, treo cổ, thả trôi sông, xử bắn, làm ngạt thở, ghế điện, phòng hơi ngạt... Đến nay tử hình bằng tiêm thuốc độc là hình thức được áp dụng phổ biến nhất trên thế giới vì nó được cho là nhân đạo nhất.
Lịch sử ra đời
Từ thế kỷ XIX, khái niệm tử hình bằng tiêm thuốc độc đã ra đời. Tác giả của nó là ông Julius Mount Bleyer, một bác sĩ ở New York, Mỹ. Ông đề xuất ý tưởng này vào ngày 17-1-1888 với lập luận cho rằng nó rẻ tiền hơn so với xử tử bằng treo cổ. Tuy nhiên, ý tưởng của Bleyer vấp phải sự phản đối dữ dội và đã không được sử dụng. Cho đến giữa thế kỷ XX, ủy ban về án tử hình của hoàng gia Anh bắt đầu đề cập lại hình thức này. Nhưng rốt cuộc nó vẫn bị bác bỏ vì sức ép của Hiệp hội Y khoa Anh quốc.
Ngày 11-5-1977, Jay Chapman - một bác sĩ pháp y ở bang Oklahoma, đề xuất hình thức tử hình mới ít đau đớn hơn với tên gọi “phương thức Chapman”: Truyền huyết thanh nhân tạo vào tĩnh mạch, có kết hợp với thuốc an thần liều cao và thuốc gây liệt. Sau khi được chuyên viên gây mê Stanley Deutsch chấp thuận, nhà lập pháp Bill Wiseman giới thiệu phương pháp này đến cơ quan lập pháp bang Oklahoma (Mỹ) và được chấp thuận, thông qua. Ngày 7-12-1982, Texas là bang thứ hai chuyển từ hình thức tử hình bằng ghế điện sang tiêm thuốc và là bang đầu tiên thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc (với tử tù đầu tiên tên Charles Brooks).
Cho đến năm 2004, 37 trong số 38 bang có áp dụng án tử hình ở Mỹ ban hành luật tử hình bằng tiêm thuốc. (Ở Mỹ hiện áp dụng cùng lúc nhiều hình thức tử hình như treo cổ, xử bắn, phòng hơi ngạt, ghế điện, tiêm thuốc độc, tùy quy định mỗi bang). Dần dà hình thức tử hình này được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình này vì nó không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới cho rằng hình thức tử hình này làm cho tử tội “chết nhẹ nhàng”, “chết không đau đớn”. Một số người còn nói làm thế này giống như buộc tử tội tự sát, uống thuốc ngủ hoặc uống thuốc độc chết.
Phòng tiêm thuốc tử hình ở nhà tù San Quentin, bang California. Ảnh: flickr.com
Quy trình thi hành án
Có thể hình dung quy trình thực hiện như sau: Tử tội bị buộc vào băng ca; hai ống thông tĩnh mạch được chọc vào hai cánh tay. Chỉ có một trong hai ống “làm nhiệm vụ” tử hình, ống còn lại có tính chất dự trữ để hỗ trợ khi ống chính thức xảy ra sự cố. Dĩ nhiên, người ta dùng dây cột chặt ống thông để chúng không bị sứt ra trong quá trình tiêm thuốc. Tay của tù nhân được bôi cồn bằng gạc trước khi ống thông được cắm vào tĩnh mạch. Kim và các dụng cụ khác cũng được khử trùng. Sau đó, người ta truyền mấy giọt huyết thanh vào cả hai tay. Đây cũng là một thủ tục có tính tiêu chuẩn của ngành y nhằm xác định chắc chắn rằng hóa chất không lẫn trong tĩnh mạch và bít lỗ kim, ngăn cản đường chảy của thuốc. Người ta cũng gắn thiết bị đo tim để kiểm tra cái chết của tử tội. Tiếp đó là quá trình tiêm thuốc gồm ba khâu:
+ Tiêm Sodium Thiopental (tên thương hiệu tại Mỹ là Sodium Pentothal, 2-5 g) hoặc Pentobarbital - loại thuốc an thần tác động cực nhanh làm người tù bị ngất trong vài giây.
+ Tiêm Pancuronium Bromide (tên thương hiệu là Pavulon, 100 mg). Đây là loại thuốc giãn cơ, gây tê liệt hoàn toàn, nhanh và kéo dài, trong đó có cơ hoành và sự nhũn đi của nhóm cơ gắn với quá trình hô hấp; tù nhân chết do bị ngạt.
+ Tiêm clorua kaki (potassium chloride-100 mEq) làm tim ngừng đập và dẫn đến tử vong.
Sở dĩ các loại thuốc trên không được hòa vào nhau để tiêm một lần cho tiện là vì khi hòa trộn chúng có thể tạo ra phản ứng hóa học, dẫn đến sự kết tủa, làm chậm hoặc giảm khả năng gây chết tử tội. Do đó, việc tiêm thuốc theo trình tự là yêu cầu cốt lõi để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải sát trùng tay tử tội, phòng ngừa nhiễm trùng làm gì khi mục đích của việc tiêm thuốc là để… giết chết tử tội? Thứ nhất, vô trùng là một thủ tục bình thường trong y tế, tránh nguy hiểm cho nhân viên thi hành án. Thứ hai (đây mới là lý do quan trọng), có một cơ hội mà tử tù có thể nhận được: hoãn thi hành án tử cả sau khi đã đâm kim vào cơ thể. (Trong lịch sử từng có vụ như thế: Tử tội James Autry được hoãn xử tử vào phút chót khi đưa ra “pháp trường” vào tháng 10-1983. Tuy nhiên, anh này cuối cùng vẫn bị xử tử.)
Phòng tiêm thuốc tử hình ở nhà tù The Walls, bang Texas. Ảnh: chicagotribune.com
Tranh luận và phản đối
Nhiều người cho rằng Thiopental là một loại thuốc an thần tác động cực nhanh nhưng sẽ yếu dần, dẫn đến trạng thái tỉnh táo và cái chết khó chịu cho tử tội. Đây là tình huống tử tội không thể biểu hiện cảm giác khó chịu của mình bởi họ đã bị chất gây liệt làm tê liệt rồi. Hơn nữa, Sodium Thiopental thường được sử dụng ở dạng uống, gần như không được sử dụng trong phẫu thuật do tính chất tác động ngắn của nó. Sau khi tiêm Thiopental, tiếp theo người ta đưa Pancuronium Bromide vào tĩnh mạch tử tù. Chất này có thể làm loãng Thiopental.
Mặt khác, giới phản đối lập luận rằng phương pháp sử dụng thuốc cũng không hoàn thiện. Họ chỉ ra rằng nếu người thi hành án thiếu kiến thức chuyên môn về gây mê thì dễ tiềm ẩn nguy cơ thất bại trong việc làm cho tử tội bất tỉnh. Một nguy cơ khác nữa là mỗi tử tù có khả năng “kháng thuốc” khác nhau, trong khi tất cả tử tù đều cùng nhận một liều thuốc tử hình như nhau. Cuối cùng, cánh phản đối cho rằng ảnh hưởng của việc sử dụng Thiopental không đúng cách - loãng hoặc không phù hợp khiến tử tù chịu một cái chết khổ sở: Nghẹt thở trong tình trạng liệt do Pancuronium Bromide gây ra và cảm giác cháy bừng do Potassium Chloride gây ra… Ngoài ra, những người phản đối còn cho rằng quy trình thi hành án được thiết kế để tạo cảm giác thanh thản và cái chết không đau đớn ở vẻ ngoài hơn là đạt được nó trong thực tế.
Một cảnh tử hình bằng tiêm thuốc độc. Ảnh: INTERNET
Tuy nhiên, Jay Chapman, cha đẻ của hình thức tử hình này, cho rằng những lo ngại nêu trên thực tế chưa từng xảy ra. “Sự thật là chúng tôi hoàn toàn làm chủ các loại thuốc” - Chapman khẳng định.
Ban đầu, Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) tin rằng quan điểm về tử hình của bác sĩ là một vấn đề có tính cá nhân. Nhưng sau đó họ cho rằng bác sĩ “không nên tham gia” vào các vụ tử hình ở bất kỳ hình thức nào vì bác sĩ sinh ra là để cứu người chứ không phải để kết liễu một ai đó. Tuy nhiên, vấn đề chỉ là “cho rằng” chứ không phải “ngăn cấm” vì AMA không có quyền hạn này (chính quyền mới có… quyền ngăn cấm). Nhìn chung, hầu hết các bang không yêu cầu các bác sĩ tiêm thuốc tử hình nhưng nhiều bang yêu cầu bác sĩ có mặt để tuyên bố hoặc xác nhận cái chết.
Tuy nhiên, quy chế của AMA đặc biệt ngăn cấm bác sĩ kê toa thuốc cho việc tử hình bằng tiêm thuốc. Các quy tắc về mặt đạo đức và pháp luật không cho phép dược sĩ bào chế và cung cấp thuốc khi không có toa thuốc hợp lệ. Toa thuốc hợp lệ là toa được bác sĩ kê trên cơ sở mối quan hệ xã hội giữa bác sĩ với bệnh nhân, được sự đồng ý của bệnh nhân, vì lợi ích của bệnh nhân và trong lĩnh vực chuyên môn của bác sĩ cùng các quy định khác.
Hơn 30 nước áp dụng Trên thế giới có hơn 30 nước áp dụng hình thức này trong gần 80 nước còn áp dụng án tử hình. Ở Trung Quốc, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định song hành hai hình thức xử tử. Trong đó, xử bắn được áp dụng đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe phòng ngừa mạnh. Những trường hợp còn lại áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Một số nước gần Việt Nam cũng đã áp dụng như Philippines (năm 1999), Thái Lan (2003), Đài Loan (2005)… |
ĐẶNG NGỌC HÙNG
Bài cuối: Không có chuyện tha chết
Nhiều bạn đọc ở ta cho rằng nếu thi hành án tử lần đầu bị trục trặc kỹ thuật, dẫn đến tử tội không chết thì có thể tha chết cho tử tội đó. Thực tế hoàn toàn không phải vậy…