Ngày 5-4, BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề dành cho bệnh nhân khám tư vấn miễn phí chảy máu mũi: Dấu hiệu không thể bỏ qua sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
ThS-BS Nguyễn Quang Tú, chuyên khoa Mũi xoang, cho biết nguyên nhân gây ra bệnh chảy máu mũi là do những khối u (ung thư vòm, mũi xoang, u xơ vòm, u mạch máu), dị vật sống chui vào mũi, sỏi mũi lâu ngày làm tổn thương niêm mạc. Ngoài ra, những chấn thương trong lúc ngoáy mũi, bị đánh hay tai nạn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, tăng huyết áp, thời tiết khô và lạnh... cũng là nguyên nhân gây chảy máu mũi.
BS Tú cũng cảnh báo nếu chảy máu mũi với lượng máu nhiều, không tự cầm được sẽ có nguy cơ bị mất máu, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tính mạng. Tình trạng máu mũi chảy ít nhưng tái đi tái lại nhiều lần cũng sẽ làm cơ thể xanh xao, mệt mỏi, mất tập trung, ngủ không sâu, làm việc không hiệu quả.
"Khi bị chảy máu mũi, người bệnh nên ngồi, hơi cúi đầu về trước, sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi khoảng 10 phút. Nếu máu vẫn còn chảy, dùng bông gòn se lại rồi nhét vào hốc mũi, đồng thời bóp cánh mũi. Trường hợp vẫn bị chảy máu nữa thì cần sớm đến khám tại chuyên khoa tai mũi họng..." - BS Tú chia sẻ.
Cũng theo BS Tú, người bệnh nên đến gặp bác sĩ sớm khi gặp các trường hợp đầu bị va chạm mạnh hoặc bị một vật gì va vào, đã làm các động tác sơ cứu nhưng không cầm được máu; người bệnh bị huyết áp cao, có những triệu chứng khác như đau đầu, nôn mửa, chảy máu mũi tái phát, chảy máu mũi xuống họng nhiều; trong mũi có khối u, dị vật... gây chảy máu mũi khó cầm...
“Để hạn chế viêm mũi dị ứng, cần tránh hít phải hóa chất, khói bụi, thường xuyên dùng khẩu trang, tránh ngoáy mũi, xì mũi quá mạnh. Ngoài ra, cần tránh ở máy lạnh khi độ quá thấp, trẻ em cần uống nhiều nước cam, nhỏ - xịt nước mũi sinh lý vào mùa lạnh, không đi bơi khi đang viêm mũi...” - BS Tú khuyến cáo.