Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, người dân cho biết thời gian gần đây nhiều cây cầu trên địa TP.HCM như cầu Tân Tạo (quận Bình Tân), cầu số 7 (quận 3)… xuất hiện tình trạng người dân mang hàng hóa lên cầu buôn bán, thậm chí lấn xuống lòng đường xe chạy.
Việc buôn bán hàng hóa trên cầu khiến những người dân lưu thông qua khu vực này lo lắng về nguy cơ mất an toàn giao thông.
Kẻ bán người mua tấp nập
Theo ghi nhận của PV vào ngày 19-5 tại cầu Tân Tạo và cầu A (quận Bình Tân, TP.HCM), trong buổi chiều tan tầm lưu lượng xe qua lại khá đông đúc, nhưng hai khu vực trên lại đang bị hàng chục người dân buôn bán hàng hóa trên cầu. Đồng thời, việc buôn bán lấn chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ trên cầu, lòng đường rất nghiêm trọng.
Chị TTT (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết cứ mỗi chiều tan tầm cỡ 17 giờ chiều, nhiều người dân đã mang hàng hóa ra khu vực cầu Tân Tạo, cầu A thuộc quận Bình Tân để buôn bán.
“Không những thế, họ còn có cả xe đẩy hàng, các khay đựng tôm, cá, thịt được người bán đặt ngay dưới lòng đường, chiếm hết lối đi của các phương tiện giao thông. Không chỉ vậy, những người buôn bán còn đổ nước thải sau khi làm tôm, cá,...ra đường khiến cả khu vực thường xuyên bốc mùi hôi tanh” – chị T nói.
Tương tự, PV ghi nhận tại cầu số 7, quận 3 tình trạng người bán thản nhiên bày biện trên cầu còn người mua thì dừng xe giữa cầu để mua gây nên tình trạng lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho những ai phải lưu thông qua khu vực này, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Anh Q, người lưu thông qua cầu số 7 chia sẻ: "Tôi không biết ý thức của người mua và người bán ở đâu? Tại sao họ lại thản nhiên buôn bán hàng hóa trên cầu như vậy, rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, tôi thấy khung cảnh rất nhếch nhác, cầu thì nhỏ mà người bán với người mua như vậy, khiến cho phương tiện giao thông qua đây bị cản trở, nguy hiểm quá!".
Khó khăn trong việc xử phạt trên cầu
Trả lời về việc xử lý tình trạng người dân mua bán ngay trên cầu, tại buổi họp báo Kinh tế - Xã hội trên địa bàn TP.HCM, ngày 23-5, bà Hà Thị Hồng Năm, Chủ tịch UBND phường Tân Tạo, quận Bình Tân, cho biết: "Do đặc thù dân cư trên địa bàn 70% là dân nhập cư từ các tỉnh thành hội tụ về đây cư trú, sinh sống mưu sinh chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ; ý thức người dân chưa cao; trình độ dân trí có giới hạn; quy định của pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh (chỉ dừng lại ở mức xử phạt và tịch thu tang vật)".
Chủ tịch UBND phường Tân Tạo cho biết thêm: Tang vật có chứng từ xuất xứ rõ ràng thì phải tiến hành hoàn trả sau khi đóng phạt; lực lượng đủ điều kiện tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm quá mỏng (Tổ trật tự đô thị - 5 người), dẫn đến việc quản lý gặp khó khăn.
Cũng theo bà Năm, UBND phường Tân Tạo đã ra quân xử lý tình hình buôn bán vi phạm trật tự đô thị ở các tuyến đường trên địa bàn phường. Từ ngày 1-1-2024 đến 23-5-2024, UBND phường đã ban hành 355 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 308 triệu đồng, thu giữ 19 thùng xe lôi tự chế và 174 tang vật khác.
Riêng tuyến đường Tỉnh Lộ 10, khu vực cầu Tân Tạo ban hành 58 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 45 triệu đồng và thu giữ 27 tang vật.
Trao đổi với PV, luật sư Huỳnh Chí Công, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người bất chấp nguy hiểm mà tụ tập buôn bán trên một số cây cầu. Vì đây thường là nơi có đông người qua lại.
"Việc người dân có các hành vi tụ tập bày bán hàng hóa trên cầu không chỉ gây cản trở giao thông, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực và được coi là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý" - LS Công nói.
Theo LS Công, Khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép (VD: dùng vào việc buôn bán) là hành vi bị cấm tại Điều 8 Luật này.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nói trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019.
Cụ thể, điểm b Khoản 5 Điều 12 quy định phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, 4-6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông.
Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Trường hợp có hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng thì phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với cá nhân, 200-400 ngàn đồng đối với tổ chức (khoản 1 Điều 12).
Một số biện pháp giảm thiểu việc tụ tập bán hàng trên cầu
- Tăng cường tuần tra và kiểm soát của lực lượng chức năng để ngăn chặn kịp thời.
- Tăng cường giám sát và kiểm tra các hoạt động buôn bán trái phép thông qua camera giám sát tại khu vực.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả của việc tụ tập buôn bán trái phép trên cầu.
- Xây dựng các chính sách thu hút và tạo điều kiện để người dân đến các nơi buôn bán đúng quy định cũng như việc buôn bán kiếm sống của người dân được thuận lợi hơn.
Luật sư Huỳnh Chí Công, Đoàn Luật sư TP.HCM