Từ vụ Cao Thái Sơn: Tên người có được đăng ký nhãn hiệu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ tối 30-3, mạng xã hội xuất hiện thông tin ca sĩ Nathan Lee đã đăng ký độc quyền thương hiệu “Cao Thái Sơn” khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và đặt ra những vấn đề pháp lý xung quanh sự việc này.

Đăng ký nhãn hiệu “Cao Thái Sơn” cho nhiều dịch vụ

Theo công báo của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) (số tháng 3-2022), nam ca sĩ Nathan Lee đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Cao Thái Sơn” tại Cục SHTT.

Nhãn hiệu mà Nathan Lee đăng ký bảo hộ là cho các sản phẩm dịch vụ thuộc nhóm 36 (mua bán bất động sản, môi giới bất động sản…), nhóm 41 (dịch vụ giải trí, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang…) và nhóm 43 (dịch vụ nhà hàng ăn uống, quán cà phê…).

Ca sĩ Nathan Lee trong họp báo ra mắt MV mới. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Trao đổi riêng với PVPháp Luật TP.HCM trong buổi họp báo ra mắt MV Yêu thương quay về chiều 1-4, ca sĩ Nathan Lee khẳng định mọi việc làm của mình đều tuân thủ pháp luật.

Riêng về lý do đăng ký nhãn hiệu Cao Thái Sơn và nhãn hiệu trên được dùng vào những hoạt động nào thì nam ca sĩ cho biết chưa tiện chia sẻ cùng báo chí.

“Ngoài ca hát, tôi còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh… Cách làm việc của tôi sẽ khác nhưng không phải để gây ồn ào. Những nhãn hiệu tôi đã đăng ký sẽ được sử dụng vào những dự định trong tương lai” - ca sĩ Nathan Lee chia sẻ.

Ngoài ra, nam ca sĩ cũng không ngần ngại trả lời những câu hỏi khác của báo chí nhưng gần như không nhắc tới tên “Cao Thái Sơn”.

Tên ca sĩ nổi tiếng có được đăng ký nhãn hiệu?

ThS Nguyễn Trọng Luận, giảng viên Khoa luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Thương hiệu không phải khái niệm pháp lý, không phải đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nên việc sử dụng thuật ngữ “đăng ký bảo hộ thương hiệu” là không chính xác, mà chính xác phải là “đăng ký bảo hộ nhãn hiệu”.

Nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ hoàn toàn có thể là tên người, tên tổ chức với điều kiện phải có khả năng phân biệt (chẳng hạn như không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được người khác đăng ký và được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự) và không thuộc trường hợp không được bảo hộ theo Điều 73 Luật SHTT 2005.

Về việc này, ThS Luận cho biết việc sử dụng tên một ca sĩ nổi tiếng là Cao Thái Sơn để đăng ký nhãn hiệu không bị coi là có dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật SHTT.

Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu Cao Thái Sơn sẽ bị xem xét thuộc vào trường hợp nêu tại khoản 5 Điều 73 Luật SHTT.

Cụ thể, khoản 5 Điều 73 quy định các dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.

“Nhãn hiệu Cao Thái Sơn có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai lệch, bị nhầm lẫn hoặc mang tính chất lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, người tiêu dùng có thể nghĩ rằng các dịch vụ này thuộc về Cao Thái Sơn, do Cao Thái Sơn cung cấp nhưng thực tế thì không phải vậy. Do đó, khả năng cao là nhãn hiệu này sẽ không được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” - ThS Luận phân tích.

Ca sĩ Cao Thái Sơn vẫn được dùng tên mình

Cùng quan điểm trên, luật sư (LS) Nguyễn Trọng Hào, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng nhãn hiệu Cao Thái Sơn rất khó được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.

“Điều 72 Luật SHTT quy định nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Tuy nhiên, nhãn hiệu Cao Thái Sơn rất dễ gây nhầm lẫn với tên của chính nam ca sĩ Cao Thái Sơn” - LS Hào dẫn chứng.

Cũng theo LS, trong trường hợp ca sĩ Nathan Lee được Cục SHTT công nhận nhãn hiệu Cao Thái Sơn thì nam ca sĩ Cao Thái Sơn vẫn có quyền sử dụng tên mình vì đây là quyền nhân thân của ca sĩ họ Cao. Tức Cao Thái Sơn không phải xin phép ai khi sử dụng tên mình để biểu diễn hay trong các sinh hoạt dân sự đời thường.

Tuy nhiên, về nguyên tắc trong SHTT, một khi nhãn hiệu đã được công nhận trước thì các cá nhân, tổ chức khác không được đăng ký bảo hộ những nhãn hiệu có tên giống tương tự nhãn hiệu trước trong cùng một lĩnh vực hành hóa, dịch vụ.

Đồng nghĩa nếu nhãn hiệu Cao Thái Sơn được đăng ký thành công thì không tổ chức, cá nhân nào được đăng ký nhãn hiệu này sau đó trong cùng lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ mà ca sĩ Nathan Lee đã đăng ký.

 

Cách hiểu yếu tố “nổi tiếng” theo Luật SHTT

Ở góc độ xã hội thì cái tên Cao Thái Sơn là tên một nghệ sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, yếu tố “nổi tiếng” trong Luật SHTT phải được hiểu theo cách khác.

Luật SHTT chỉ không thực hiện việc bảo hộ nhãn hiệu khi đó là tên thật, biệt hiệu, bút danh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

Nguyên tắc bảo hộ của các cơ quan quản lý về SHTT trên thế giới là first to file, tức là ai đăng ký trước thì được, cho nên “sẽ” bảo hộ đôi khi trở thành không thể bảo hộ được vì người khác đã đăng ký rồi.

Tên thật hay nghệ danh khi được đem đi đăng ký thì được gọi là nhãn hiệu hàng hóa và Cục SHTT sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật để cấp hoặc không cấp cho người đăng ký.

Lưu ý rằng trong trường hợp này là đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, không liên quan đến quyền nhân thân của một người. Tên thật hay nghệ danh của một người là quyền nhân thân, quyền này là bất khả xâm phạm và đương nhiên được pháp luật bảo vệ khi người đó xác lập quyền này bằng giấy khai sinh, cải chính họ tên...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm