Tuy nhiên, từ đây các bậc cha mẹ có thêm thông tin để đưa ra quyết định hợp lý khi muốn cho con vào học trường quốc tế.
Mới đây nhất, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết: “Trong quyết định thành lập trường mà không có chữ quốc tế nhưng cứ đưa thêm từ này vào để thu hút học sinh là sai. Trong thời gian tới Hà Nội sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, phụ huynh học sinh biết”.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng cho biết hiện có một số trường tư thục gắn mác quốc tế, trong khi tại TP.HCM chỉ có 21 trường có yếu tố nước ngoài hoạt động theo Nghị định 86/2018.
Vậy trường quốc tế thứ thiệt là sao, khác gì với trường có yếu tố nước ngoài? Ở TP.HCM và Hà Nội, trong rất nhiều trường vẫn được mọi người cho là trường quốc tế thì trường nào là trường quốc tế đúng quy định?
Xin được lưu ý là: Hiện tại, không có trường quốc tế ở bất kỳ địa phương nào của Việt Nam (VN). “Trường có yếu tố nước ngoài” cũng chỉ là cách gọi khác về các trường được thành lập, hoạt động theo Nghị định 86/2018 (quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục).
Trường Gateway, nơi vừa xảy ra vụ cháu bé 6 tuổi bị chết.
Chính xác thì có những trường sau đây:
- Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Các cơ sở này do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, có thể nói gọn là trường có vốn nước ngoài.
Các trường này có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương. Cụ thể, đối với trường: Tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.
Trong đó, trường mầm non, trường phổ thông (như trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục của VN và chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài.
Các trường này được phép tiếp nhận học sinh VN vào học chương trình giáo dục của nước ngoài. Số học sinh VN học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại trường. Học sinh VN học chương trình giáo dục nước ngoài phải được học các nội dung bắt buộc theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
- Trường mầm non tư thục, trường phổ thông tư thục của VN liên kết với cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.
Các trường này được giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp, tức là chương trình giáo dục của nước ngoài tích hợp với chương trình giáo dục của VN. Người học hoàn thành chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông được cấp văn bằng tốt nghiệp của VN và của nước ngoài.
Như vậy, theo quy định thì chỉ có hai loại trường được phép giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài hoặc chương trình giáo dục nước ngoài tích hợp với chương trình giáo dục VN là trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường tư thục có liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài.
Pháp luật hiện hành không quy định khái niệm “trường quốc tế”. Tuy nhiên, nếu dùng chữ “quốc tế” để chỉ trường có giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài hoặc chương trình giáo dục tích hợp như đối với hai trường hợp nêu trên được quy định theo Nghị định 86/2018 thì cũng có thể chấp nhận được.
Vấn đề đáng bàn là có trường không giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài hoặc chương trình giáo dục tích hợp nào nhưng vẫn tự xưng là “trường quốc tế” để chiêu sinh mà không bị bất kỳ chế tài nào của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng không cấm dùng chữ “quốc tế” để đặt tên (tên riêng) cho một trường. Từ chỗ đó, một trường không có giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài vẫn có thể đặt tên là “trường quốc tế”. Điều này dễ dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn, gây ngộ nhận cho các phụ huynh, học sinh.