Từ vụ Trang Nemo: Luật quy định thế nào về việc thi hành án tù

(PLO)- Trang Nemo đã tự nguyện thi hành án 9 tháng tù sau nhiều lần làm đơn xin hoãn. Nhiều bạn đọc thắc mắc, việc thi hành án phạt tù được pháp luật quy định như thế nào?  

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, vừa qua, Nguyễn Xuân Hương Trang (tên gọi khác là Trang Nemo, ngụ phường 14, quận 10, TP.HCM) đã tự nguyện thi hành án 9 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng.

Trước đó, vụ việc Trang Nemo và một số người khác gây rối trật tự công cộng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trang Nemo cũng nhiều lần có đơn xin hoãn chấp hành án tù.

Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc pháp luật quy định thế nào về việc thi hành án phạt tù sau khi đã có bản án của tòa?

Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), thời hạn ra quyết định thi hành án được quy định tại khoản 2 Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Từ vụ Trang Nemo
Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn LS TP.HCM.

Theo đó, thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.

Trường hợp ủy thác ra quyết định thi hành án thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 364 BLTTHS và khoản 1 Điều 22 Luật THAHS, khi ban hành quyết định thi hành án phạt tù, cơ quan có thẩm quyền phải ghi rõ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan THAHS công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã.

Luật sư Tuấn cũng cho biết, hiện nay, các trường hợp có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS gồm: Người có án phạt tù bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; người lao động duy nhất trong gia đình, trừ trường hợp bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp khác là người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 1 năm.

Về thủ tục hoãn chấp hành án, theo quy định tại Điều 24 Luật THAHS, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định.

Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho VKS cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

Trường hợp không được hoãn chấp hành hình phạt tù, người phạm tội phải tiếp tục chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm