Từ vụ Việt Á: 2 vướng mắc cần khơi thông về đấu thầu; giữ cái đầu tỉnh táo trước... tiền

(PLO)-  Bài học từ vụ Việt Á cho thấy việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế đúng giá theo hướng dẫn, thậm chí mua sắm đúng giá không đồng nghĩa rằng việc nhận tiền “bôi trơn”, “hoa hồng” là không vi phạm pháp luật.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết một số cán bộ quản lý mua sắm trang thiết bị y tế có suy nghĩ về vấn đề "nhận tiền hoa hồng, tiền bồi dưỡng" khá đơn giản, dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Cạnh đó, các quy định của pháp luật cũng cần có những điều chỉnh hợp lý hơn để hạn chế xảy ra những tổn thất không đáng có như vụ Kit test Việt Á vừa qua.

Một số cán bộ quản lý suy nghĩ đơn giản quá!

. Phóng viên: Thưa ông, trong vài tháng qua, đã có hơn 60 người trong ngành y tế đã bị khởi tố liên quan đến vụ Kit test Việt Á. Là người làm trong ngành y và tham gia nhiều hoạt động chống dịch trong thời gian vừa rồi thì ông có cảm xúc như thế nào trước những thông tin này?

+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Trước tình hình cán bộ y tế bị vướng vào những quy định pháp lý thì thứ nhất tôi rất là buồn, thứ hai rất là tiếc. Buồn vì nhiều người trong công tác phòng chống dịch đã bị bắt trong vừa qua là đồng nghiệp, là bạn của tôi.

Tiếc rằng những đồng nghiệp chưa tỉnh táo và chưa có cảnh báo kịp thời. Chưa tỉnh táo ở chỗ khi họ nhận tiền (hay gọi là hoa hồng, bồi dưỡng) của công ty Việt Á và họ suy nghĩ tương đối đơn giản. Họ nghĩ giá mua kit test đã được quy định rồi nên mình không nhận tiền thì giá cũng như vậy. Họ nghĩ khi nhận được tiền họ sẽ chia sẻ cho một số đồng nghiệp hoặc những cấp dưới để động viên tinh thần trong mùa dịch và cũng sẽ có một ít lòng tham trong đó.

Tiếc rằng những đồng nghiệp chưa tỉnh táo và chưa có cảnh báo kịp thời. Chưa tỉnh táo ở chỗ khi họ nhận tiền (hay gọi là hoa hồng, bồi dưỡng) của công ty Việt Á và họ suy nghĩ tương đối đơn giản.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng

Họ cũng có thể nghĩ rằng nếu bây giờ không nhận thì nhiều người khác đang nhận rồi, trong ngành họ biết nhau và khi họ nhận mà mình không nhận thì đồng nghiệp, cấp dưới sẽ nói "bên này không nhận trong khi bên kia được nhận, được chia thêm tiền". Vì khi suy nghĩ đơn giản như vậy mà họ đã sai lầm đáng tiếc.

Đáng tiếc thứ hai nữa những việc này nếu được phát hiện sớm hơn, cảnh báo sớm hơn, như CDC đầu tiên có mình phát hiện, cảnh báo ngay thì có lẽ tổn thất ngành y tế sẽ không cao như vậy. Nếu như tỉnh táo một chút thì có thể chuyện sẽ không xảy ra.

Phan Quốc Việt (trái) cùng loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ án kit test Việt Á. Ảnh: CA

Những khó khăn khi áp dụng luật để mua sắm

. Liên quan đến vụ Kit test Việt Á, Bộ trưởng Y tế và nhiều quan chức trong ngành đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, những "cú sốc" này cũng khiến nhiều người trong ngành y lo lắng về vấn đề quản lý việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Theo ông, các quy định về mua sắm vật tư y tế sau vụ Việt Á cần có những điều chỉnh như thế nào để cán bộ quản lý thực hiện đúng quy định pháp luật, không thể trục lợi?

+ Những quy định của luật pháp Việt Nam thì đã có, nhưng tồn tại hai vướng mắc nhỏ. Thứ nhất, các quy định hiện hành về mua sắm trang thiết bị y tế có thể chưa chặt chẽ trong một số tình huống cụ thể, vì vậy việc hiểu, diễn giải, áp dụng sẽ khác nhau. Bản thân tôi những lúc đứng trong vai trò quản lý, mua sắm các thiết bị tôi cũng thấy rằng cùng một sự việc nhưng có đồng nghiệp nói nên làm nhưng có người nói làm vậy là sai. Vậy thì điều đầu tiên luật phải rỏ ràng hơn, giải thích cụ thể hơn để mọi người hiểu giống nhau.

Điều thứ hai, trong bối cảnh bình thường thì việc áp dụng luật không gặp nhiều vấn đề, nhưng khi có tình huống khẩn cấp như dịch bệnh thì xuất hiện vấn đề. Như khi dịch COVID-19 xuất hiện, có những hàng hóa mới không định giá được. Mọi người không thể biết được một bộ kit test giá thế nào là hợp lý.

Ngoài ra, trong một số trường hợp hàng hóa khan hiếm, giá cả của hàng hóa, trang thiết bị y tế gia tăng nên việc mua sắm rất khó. Nếu mua hàng hóa đã có giá rồi và không tăng thì có thể đối chiếu, còn khi giá tăng lên dù một chút thì khi đó luật chưa đủ linh hoạt để giải quyết tình huống. Đó là điều cần thiết để xem xét, điều chỉnh trong các quy định pháp luật.

Xét nghiệm COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý

. Nếu những tồn tại trong công tác quản lý, giám sát, xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo cho việc mua sắm thiết bị y tế vẫn tiếp diễn, và chúng ta vẫn không rút ra những bài học để cải thiện kịp thời thì ngành y tế có thể gặp những vấn đề gì, nhất là trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn, các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ... vẫn đang rình rập, và rất nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác vẫn đang trông chờ vào sự ra sức của các y bác sĩ?

+ Vấn đề không mua được trang thiết bị y tế cũng như thuốc men không chỉ trong tương lai mà hiện tại đang ảnh hưởng đến chúng ta, đến từng bệnh nhân. Như đã biết trong thời gian vừa qua một số bệnh nhân không mua được một số loại thuốc để điều trị nhưng đó không phải là lỗi của bệnh viện mà điều đó do đấu thầu tập trung sau đó không thực hiện được rồi bị chậm trễ. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta không mua sắm được.

Nhiều đồng nghiệp làm ở bệnh viện họ điều nói rằng hiện nay tình trạng thiếu thuốc khá trầm trọng cho nên có trường hợp bệnh nhân nặng không dám phẫu thuật vì không có kháng sinh để điều trị. Những trang thiết bị phẫu thuật, những stent điều trị bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim... cũng hạn chế. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Nhiều người mong rằng không có người thân bị bệnh trong thời gian này vì thời gian này đang khó khăn của ngành y tế. Thực tế như vậy cho nên nhu cầu để cải thiện hành lang pháp lý, các quy định mua sắm một cách linh hoạt hơn là cần thiết nhưng phải đảm bảo được việc không lạm dụng, trục lợi trong việc mua sắm đó.

Vấn đề không mua được trang thiết bị y tế cũng như thuốc men không chỉ trong tương lai mà hiện tại đang ảnh hưởng đến chúng ta, đến từng bệnh nhân.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng

. Để ngành y có thể phục hồi trở lại, các cán bộ và nhân viên ý tế an tâm phục vụ trong bối cảnh hàng chục quan chức bị bắt liên quan vụ Việt Á, theo ông Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương cần có những giải pháp cấp bách nào?

+ Việc đầu tiên Bộ Y tế, các sở Y tế phải xem các thiếu hụt, các trang bị vật tư y tế và thuốc men là một vấn đề khẩn cấp, cần giải quyết ngay. Chúng ta biết hiện nay Bộ Y tế và các sở Y tế có rất nhiều công việc, nhưng một trong vấn đề cần tập trung là đưa ra những quy định, hướng dẫn, xem xét những gói thầu được đưa lên để đánh giá và phê duyệt sớm tạo ra thuận lợi. Đó là việc khẩn cấp nhất.

Điều thứ hai là Bộ Y tế, các sở y tế cần tìm cách kiến nghị Thường vụ Quốc hội để làm sao giải quyết, giải thích, nêu rõ những quy định trong những tình huống đặc thù (như trong đại dịch vừa qua). Luật chúng ta thì ghi rất rõ nhưng có những chỗ chưa được hiểu giống nhau và như vậy sẽ gây lúng túng, hoang mang. Việc Thường vụ Quốc hội có giải pháp sẽ giúp mọi người an tâm áp dụng các quy định pháp luật. Thường vụ Quốc hội cũng nên xem đó là vấn đề quang trọng và có thể tập hợp trí tuệ của những lãnh đạo của ngành y tế, một số chuyên gia để làm sao quy định rõ ràng việc áp dụng luật trong các tình huống cụ thể để những người quản lý y tế ở các tuyến dưới thực hiện theo.

Thứ ba, hiện nay ngành y tế cũng đã tổ chức việc mua sắm tập trung, đấu thầu tập trung, nhưng cần làm một cách hiệu quả hơn. Việc mà đấu thầu tập trung sẽ dễ hơn bởi vì dễ tập hợp được tư duy, năng lực, kinh nghiệm không chỉ cán bộ trong ngành y tế mà nhiều ngành khác như luật, kinh tế... Như vậy sẽ đảm bảo việc mua sắm hơn, tiết kiệm được kinh phí. Nếu mỗi đơn vị mua phải làm hồ sơ thầu để thẩm định, xét duyệt thì sẽ tốn rất nhiều thời gian nhưng nếu mua với số lượng lớn thì các sở y tế có thể thực hiện hiệu quả hơn.

Dựa trên đó thì kết quả của việc đấu thầu tập trung có thể được xem xét, tiến hành thiết lập đó như một mặt bằng giá trần để các đơn vị phía dưới mua các thiết bị, không cần thực hiện công tác đấu thầu, gọi thầu. Với những gói mua sắm nhỏ thì đơn vị y tế cũng có thể tự mua sắm theo nhu cầu.

Cuối cùng cần phải động viên, có chính sách bảo vệ những cán bộ quản lý để họ mạnh dạn làm việc, có tinh thần trách nhiệm với công việc của mình.

. Xin cám ơn ông.

Hết sức tỉnh táo với đồng tiền

Tôi đã từng làm nhiệm vụ quản lý, mua sắm, đấu thầu cho đơn vị của mình nên tôi hiểu việc đấu thầu luôn luôn có một nguy cơ nào đó. Thậm chí có lúc tôi nghĩ mình có nguy cơ bị tù tội dù tôi rất cố gắng. Đó là nói thật. Tuy nhiên, làm nhiệm vụ quản lý là một sự vinh dự mà không phải ai cũng có được. Và khi mình nghĩ điều đó giúp ích được cho người bệnh, cho người dân và cho sinh viên của mình thì mình cố gắng làm hết mình.

Khi mình cố gắng hết sức mà vẫn gặp rủi ro nào đó thì mình cũng luôn sẵn sàng. Cũng như việc nhiều cán bộ y tế họ đi vào vùng dịch điều trị trực tiếp, có nguy cơ tử vong nhưng vì sức khỏe người dân mà họ dám làm. Tôi không dám nói là họ không lo lắng, nhưng được làm thì đó là vinh dự, là trách nhiệm.

Một điểm nữa là thật ra tất cả các trường hợp vướng vào vấn đề pháp lý khi mua sắm trang thiết bị y tế là họ cầm tiền, dù ít hay nhiều. Việc cầm tiền luôn khiến chúng ta gặp những rủi ro dù lớn hay nhỏ, nên tốt nhất là phải tỉnh táo khi đối diện với đồng tiền. Không phải cứ làm đúng quy định, mua bán đúng giá thì cầm tiền sẽ an toàn.

Trong công việc có thể có những vướng mắc về quy định khiến quyền lợi, sức khỏe, sự an toàn của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Nhưng vì quyền lợi bệnh nhân, chúng ta chấp nhận rủi ro, thậm chí có thể mất chức vì phá rào, làm chưa đúng quy định.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới