Ước tính số tiền “bôi trơn” các phi vụ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Tất cả giống như một “cơn bão”, tạo ra “cú sốc” cho rất nhiều người.
Trong số những người bị bắt và khởi tố, có nhiều cán bộ cấp vụ, cục thuộc các bộ, ngành và lãnh đạo các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế của các địa phương. Đúng hay sai có lẽ các cơ quan chức năng cũng dần làm sáng tỏ và “tòa án” dư luận cũng có những nhận định riêng của mình. Thế nhưng câu hỏi lớn nhất mà chúng ta cần khẩn cấp đặt ra đó là: Sau cơn bão xảy ra trong ngành y tế, làm sao để “trời quang mây tạnh”?
Nói khẩn cấp là vì dịch COVID-19 vẫn còn đó, bất kể chúng ta đang cố gắng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo dịch đậu mùa khỉ và những trẻ em mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân; hay như CDC một số địa phương cảnh báo về dịch sốt xuất huyết, vốn nguy hiểm nhưng đang bị quên lãng sau hai năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài.
Chúng ta đang “thanh lọc” ngành y nhưng không thể bỏ qua tâm lý bất an, nỗi băn khoăn và lúng túng của hàng chục ngàn lãnh đạo, cán bộ quản lý, y bác sĩ… vẫn đang ngày đêm chịu trách nhiệm cho sức khỏe, tính mạng của vô số người dân đang đối diện các rủi ro dịch bệnh khác và cả các căn bệnh hiểm nghèo, vốn có sức sát thương không thua kém, thậm chí còn hơn cả COVID-19 như ung thư, tim mạch, tiểu đường…
Báo chí khảo sát và cả một số địa phương phản ánh tình trạng thiếu vật tư y tế cho bệnh nhân. Có thể vì “căn bệnh” sợ trách nhiệm của thiểu số cán bộ quản lý nhưng cũng có những đơn vị y tế thừa nhận đã nghiên cứu kỹ các cơ chế, quy định mua sắm, đấu thầu vật tư y tế nhưng vẫn cảm thấy… bất an, lo lắng. Có người tâm sự: Giờ chỉ muốn làm tốt vai trò chuyên môn khám và chữa bệnh chứ ngại làm quản lý, vì phải đương đầu với sự đan xen phức tạp giữa chuyên môn và thực thi chính sách công.
Một nền y tế mà các y bác sĩ “né” làm quản lý thì có nguy cơ xuống cấp, tụt hậu. Vậy nên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ và Ban cán sự đảng Bộ Y tế cần tiếp tục khẩn trương và quyết liệt vào cuộc - sau những quyết liệt đáng ghi nhận về việc loại trừ tiêu cực như vụ Việt Á - để vực dậy niềm tin của cán bộ y tế khi hàng loạt lãnh đạo các cấp của ngành y vừa “nhúng chàm”. Việc thanh tra, kiểm toán, điều tra nếu còn cũng cần nhanh chóng và có kết luận sớm để xử lý triệt để, không để “đêm dài lắm mộng”, gây bất an chung.
Cạnh đó, dường như đã có người ngộ nhận rằng mua sắm, đấu thầu theo đúng giá hướng dẫn của Bộ Y tế thì không phạm pháp, ngay cả khi dính vào vấn nạn “bôi trơn”, “hối lộ”… Nói như BS PGS-TS Đỗ Văn Dũng (ĐH Y Dược TP.HCM), việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế đúng giá (theo hướng dẫn) không đồng nghĩa rằng việc nhận tiền “bôi trơn”, “hoa hồng” là không phạm pháp. Vậy nên ngoài việc các cán bộ quản lý tỉnh táo thì các quy định pháp luật về mua sắm công cũng cần làm rõ những giới hạn về quà cáp, hoa hồng... Ở một số nước, pháp luật quy định việc cán bộ nhận quà cáp, hoa hồng… rất rõ ràng về trường hợp, mức độ, số lượng để người làm quản lý không có tâm lý chủ quan, thiếu tỉnh táo theo kiểu làm đúng quy trình thì được quyền “lại quả”.