“TP.HCM nên nghiên cứu mô hình 141 để ứng dụng. Tất nhiên, thành lập thế nào cho phù hợp với địa bàn bởi đây là mô hình rất hay” - tướng Lê Quý Vương nói và cho hay lực lượng 141 theo mô hình Hà Nội hoạt động rất hiệu quả.
Lực lượng này gồm: Cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và kết hợp với đặc nhiệm để giải quyết các vấn đề nóng. Hiện Bộ Công an và Hà Nội đã tổng kết hoạt động này và cho thấy 141 đã giải quyết rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đồng thời cũng phát hiện ra rất nhiều tội phạm.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an
Tướng Vương cũng cho biết trước tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp tại TP.HCM, vào năm 2013, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân tại TP.HCM) cùng phối hợp giải quyết xử lý các vấn đề liên quan. Lực lượng này hoạt động cũng rất hiệu quả tại TP.HCM. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo giám đốc Công an TP.HCM đánh giá lại toàn diện tình hình tội phạm, đồng thời tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát tại địa bàn.
Về mô hình hiệp sĩ của TP.HCM, ông đánh giá đây là kết quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vấn đề quan trọng là phải tổ chức lại lực lượng này thế nào. Không nên để họ phát triển một cách tự phát mà không có định hướng, không có sự hỗ trợ.
Ông cho hay đã trao đổi với lãnh đạo TP.HCM về việc tổ chức mô hình này cần phải gắn kết với lực lượng công an. “Để khi phát hiện tội phạm hoặc nhận được tin báo tố giác tội phạm thì các “hiệp sĩ” phải gọi điện thoại ngay cho lực lượng công an cùng hỗ trợ. Phải kết hợp như vậy giữ các lực lượng chứ không nên để “hiệp sĩ” hoạt động đơn độc” - ông nói.