Tuyên bố đưa ra yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực và công cụ đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Thông qua việc sử dụng cơ chế “tài trợ hỗn hợp” - sử dụng nguồn tài chính công kết hợp với huy động thêm các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân - Chính phủ có thể giảm rủi ro và gia tăng nguồn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng.
Các giải pháp nguồn vay mới
Đối với các công cụ tài sản tài chính, có thể cân nhắc một vài lĩnh vực chủ yếu, bao gồm việc thành lập các thị trường không niêm yết đối với tài sản tài chính cho cơ sở hạ tầng và các quỹ tài sản tài chính (quỹ đầu tư qua biên giới) nhằm tiếp cận các dự án cơ sở hạ tầng trong thị trường nội địa.
Nguồn vay truyền thống này có thể được bổ sung bằng các giải pháp mới như tổng hợp các khoản vay ngân hàng thông qua thị trường vốn, cho phép các ngân hàng tái huy động khoản vốn cho các dự án mới; phát triển các thị trường tài chính cho dự án (ví dụ các trái phiếu dự án) nhằm thêm lựa chọn thay thế các khoản vay truyền thống; hình thành các tập đoàn cho vay thông qua các quỹ vay nợ được đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư thể chế và các đối tác lớn như các ngân hàng đầu tư khu vực (MDB) và các chính phủ; chứng khoán hóa các khoản vay nhỏ để tạo ra các sản phẩm tài chính quy mô lớn và đa dạng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị bộ trưởng Tài chính APEC. Ảnh: BTC
Thông qua việc cải thiện khung chính sách và quản lý, các chính phủ có thể củng cố nền tảng huy động vốn dài hạn của các dự án cơ sở hạ tầng (thông qua các cấu trúc dòng tiền phù hợp), qua đó đảm bảo nguồn doanh thu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân.
Tuyên bố chung cũng nêu ra nhà đầu tư thể chế và thúc đẩy cơ sở hạ tầng như là một loại tài sản. Chính phủ có thể xem xét thêm các quy định tài chính nhằm mục tiêu an toàn, bảo vệ nhà đầu tư và ổn định tài chính vĩ mô khác song có thể tạo ra những rào cản đối với đầu tư cơ sở hạ tầng của các nhà đầu tư thể chế.
Các khuyến nghị chính sách cần xác định được các cơ hội để thúc đẩy nhiều hơn sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các giai đoạn phát triển của dự án.
Các nền kinh tế APEC có thể cân nhắc thu thập dữ liệu theo mẫu chuẩn đối với các thông tin tài sản tài chính cơ sở hạ tầng, bao gồm lịch sử dòng tiền và thông tin định tính về đặc điểm và tính bền vững của dự án, qua đó có thể cân nhắc phát triển các sản phẩm tài chính về cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế APEC.
Giải pháp giảm thiểu rủi ro
Về quan hệ đối tác công-tư, thiết kế giao dịch hiệu quả và phân bổ rủi ro, Tuyên bố chung cho rằng cần nâng cao kiến thức, mô hình và chuyên môn về PPP sẽ giúp thu hút thêm vốn tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tăng mức đầu tư của khu vực tư nhân trong các dự án PPP sẽ dẫn đến việc chuyển giao nhiều rủi ro cho khu vực tư nhân, vì vậy vấn đề chia sẻ rủi ro trở thành vấn đề trung tâm của mỗi hợp đồng PPP có ý nghĩa quan trọng cho sự bền vững của dự án. Hiểu sâu về các nguyên tắc, biện pháp phân bổ rủi ro và hỗ trợ của Chính phủ là điều kiện tiên quyết để thu hút nguồn vốn tư nhân.
Về các công cụ và biện pháp giảm thiểu rủi ro, Tuyên bố chung của các bộ trưởng cho biết để thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro một cách hợp lý, các chính phủ và các tổ chức tài chính có thể sử dụng nguồn lực tài chính công (có ưu đãi hoặc theo điều kiện thị trường) để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng khả thi.
Chiều nay (21-10), các bộ trưởng Tài chính APEC đã ra Tuyên bố chung tại Hội An, Việt Nam. Ảnh: BTC
“Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển của APEC, nơi việc đầu tư đôi khi bị hạn chế do thiếu các khuôn khổ chính sách và quản trị hiệu quả” - Tuyên bố chung nêu rõ.
Theo đó, các thỏa thuận hợp đồng, bảo hiểm và bảo lãnh là những công cụ hiệu quả nhất để giảm thiểu hoặc chuyển giao các rủi ro thương mại ở một số nền kinh tế APEC.
Để giảm thiểu rủi ro chính trị, các công cụ hiệu quả thường được sử dụng bao gồm xây dựng các liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện bảo hiểm rủi ro chính trị, bên cạnh việc hình thành các mô hình quỹ đầu tư chung. Những công cụ quản lý rủi ro tiền tệ như công cụ phòng vệ rủi ro hoặc kết nối các dòng tiền mặt sẽ rất hữu ích cho các nền kinh tế đang phát triển trong APEC.
Về danh mục dự án cơ sở hạ tầng, Tuyên bố chung khẳng định xây dựng danh mục các dự án sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó những nỗ lực hợp tác APEC trong việc tăng cường năng lực, hỗ trợ chuẩn bị dự án và hỗ trợ kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc hình thành một danh mục dự án là điều kiện tiên quyết cho các chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng cụ thể, như sử dụng trái phiếu dự án thông qua thị trường nợ trong nước.
Bên cạnh đó, cần xem xét các thực tiễn tốt mang lại hiệu quả đầu tư công. Phát triển cơ sở hạ tầng thường bị cản trở bởi các vấn đề như lựa chọn dự án sơ sài, sự chậm trễ trong thiết kế và hoàn thành dự án, quy trình mua sắm phức tạp, chi phí quá tải, vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo, vận hành và duy trì tài sản hiệu quả.
Một hệ thống đánh giá, định giá và phân tích cần được xây dựng phù hợp với mục tiêu phát triển quốc gia và lựa chọn phương án tài chính phù hợp nhất.