Nguồn tin từ Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ: Doanh nghiệp muốn thí điểm dịch vụ phần mềm kết nối vận tải hành khách bắt buộc phải có sự cho phép, phối hợp của Sở GTVT địa phương.
“Thứ Hai tới chúng tôi sẽ mời công ty này lên làm việc. Giống với Uber và Grab chưa được Đà Nẵng cấp phép, nếu Công ty Ulatech làm việc bất chấp như vậy thì chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp xử lý tương tự đã làm với Uber và Grab” - nguồn tin này nói.
Trước đó, vào ngày 14-10 tại Đà Nẵng, Công ty CP Giải pháp công nghệ Ulatech tổ chức lễ ra mắt ứng dụng đặt xe ULA.
Công ty CP Giải pháp công nghệ Ulatech ra mắt ứng dụng ULA ngày 14-10. Ảnh: ĐSX
Trao đổi với PV, ông Trần Nguyễn Sông Hàn (đại diện pháp luật Công ty Ulatech) cho hay đã gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.
Ông Hàn thừa nhận đây là ứng dụng đặt xe tương tự Uber, Grab nhưng phần mềm ULA còn có các tìm kiếm địa điểm khác liên quan hoạt động vui chơi, du lịch tại Đà Nẵng nên thiên về khoa học công nghệ.
“Cái này thiên về khoa học công nghệ nên bên công ty không làm việc với Bộ GTVT và Sở GTVT Đà Nẵng. Hiện một số tài xế chủ động tải bản thử nghiệm (bản BETA - PV) về dùng thử và công ty chủ trương cho tài xế chở khách miễn phí một thời gian để chờ phần mềm hoàn thiện hơn. Đây là thử nghiệm phần mềm chứ không phải thí điểm hoạt động” - ông Hàn nói.
Được biết từ đầu năm 2017 đến nay, thanh tra giao thông (Sở GTVT TP Đà Nẵng) liên tục nhập vai hành khách, xử phạt hàng chục trường hợp GrabTaxi chạy chui trên địa bàn thành phố.
Do chưa được cấp phép loại hình hợp đồng điện tử vận chuyển khách, lực lượng chức năng sẽ xử phạt lỗi “không có hợp đồng vận chuyển khách” theo Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ.