Báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng loạt bài “Ám ảnh ung thư”. Mỗi năm, tại Việt Nam, 150.000 người mắc mới và 75.000 người chết vì ung thư. Những con số thống kê khủng khiếp ấy có lẽ chỉ gây giật mình chút đỉnh với người nghe, cho dù rất có thể năm tới có thể mình, bạn bè mình nằm trong số người mắc ung thư tăng thêm ấy. Nỗi sợ hãi chỉ thực sự hiện hình hài khi đi dự đám tang người qua đời vì ung thư.
“Trời kêu ai nấy dạ”?
Tôi có một người anh họ, nhậu đều đều mỗi ngày, ban đầu là chiều lai rai tới tối, nay tiến một bước sáng nốc rượu, chiều cụng bia, bữa nào thiếu chất men là tay chân run lẩy bẩy. Gia đình khuyên can, anh này tỉnh rụi: “Trời kêu ai nấy dạ, mắc gì lo. Ông X. bác sĩ xóm trên có nhậu bao giờ đâu mà cũng chết vì ung thư gan”.
Một nhà báo tôi quen bị ung thư phổi. Anh kể: Xem phim chụp cắt lớp mới thấy hối hận vì thâm niên hút thuốc lá. Khói thuốc dần biến thùy trên của phổi thành một vùng trắng xóa. “Lúc chưa phát hiện bệnh, ai nói cỡ nào cũng vẫn hút thuốc, nếu thời gian cho phép quay trở lại…”.
“Trời kêu ai nấy dạ” là tâm lý chung mang tính ngụy biện của những người dễ mắc nguy cơ ung thư cao do lối sống. Thế nhưng khi bị “kêu” án ung thư, đâu chỉ một mình người đó “dạ”. Bệnh nhân và gia đình người bệnh thường khánh kiệt ngay trong năm đầu phát hiện ung thư - các thống kê của cơ quan chức năng đã cho thấy điều này. Tinh thần suy sụp, cả bệnh nhân và người thân đều khắc khoải tuyệt vọng nhưng rồi tận cùng vẫn là cái chết do phát hiện bệnh quá muộn. Nghịch lý lớn nhất nằm ở đây: Trong khi mỗi ngày càng nhiều người mắc bệnh hơn thì người ta càng có vẻ ngó lơ, không chủ động tìm hiểu, nhận diện, để đến khi nó lù lù hiện ra thì những ngày sống đã tận cùng.
Có phải dân mình chọn cách điếc không sợ súng? Ung thư đã không chữa được, lại còn (gần như) không biết đường nào mà tránh được nên thôi kệ, khi nào bệnh thì biết bệnh. Thái độ ấy vừa chủ quan với mạng sống của mình, vừa thiếu trách nhiệm với người thân, với cộng đồng. Ung thư đâu chỉ nhắm vào mình, càng ngày độ tuổi của bệnh nhân ung thư càng trẻ hóa, phổ bệnh nhân đa dạng hơn trên nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, nhiều tầng lớp xã hội. Có thể nhiều người biết rằng rượu bia, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư nhưng họ không vượt qua được cám dỗ nên cứ hưởng thụ đi rồi ra sao thì ra, kể cả gây bệnh cho người khác.
Các tác nhân gây ung thư không gây nguy hiểm lập tức, chúng tác động một cách từ từ, âm ỉ. Có lẽ bởi vì vậy mà một bộ phận khá lớn dân mình vẫn còn coi nó là chuyện còn xa mới tới, cộng với tâm lý sống ngày nào biết ngày đó, vô tư tích lũy những chất gây ung thư vào mình, rồi đến lúc bệnh thì đổ cho trời kêu ai nấy dạ. Thực ra mầm mống của cái lời đáp “dạ” ấy đã âm thầm lớn lên, là do tự mình mỗi ngày nạp nó vào thân, “bệnh tòng khẩu nhập”.
Nhiều người biết rằng rượu bia, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư nhưng họ không vượt qua được cám dỗ. Ảnh: HTD
Trách nhiệm xã hội
Sau vụ lọt chất cấm salbutamol ra thị trường, người ta mới giật mình: Chỉ trong hai năm 2014 và 2015, Bộ Y tế đã cấp phép cho 20 doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol. Hơn 9 tấn đã được 16 doanh nghiệp nhập về, trong đó khoảng
6 tấn đã bán ra thị trường. Việc sử dụng salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 10 kg, số còn lại có thể đã trở thành chất tạo nạc trong chăn nuôi, trở thành mầm gây ung thư trong hàng triệu người dân. Đó mới là con số thống kê lượng nhập khẩu chính ngạch, còn nhập lậu thì không biết đến đâu.
Đó là chỉ mới nói đến một chất cấm, chưa nói ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, chất thải công nghiệp, chất bán dẫn từ một số nhà máy… đã tạo nên những vùng nguy cơ cao mà ở đó số người tử vong vì ung thư đã trở thành phổ biến gần như một thứ bệnh dịch. Nhà nước, chính quyền chú trọng tăng trưởng kinh tế, trải thảm mời gọi các nhà đầu tư nên thực tế đã có những lơi lỏng trong việc siết trách nhiệm xã hội. Ta đã phát hiện được bao nhiêu doanh nghiệp ngoại vào xả khói, xả thải bậy? Chi phí môi trường rẻ đến thế, hời đến thế, dại gì họ không tìm đến!
Bệnh nhân ung thư nhập viện, ngành y tế lại phải đương đầu với cái vòng luẩn quẩn: Nhập thuốc, nhập hóa chất về để hóa trị, xạ trị. Quá trình giải quyết hậu quả rất nặng nề, cuộc chiến với ung thư là vô cùng khốc liệt, kể cả đối với bệnh nhân và nhân viên y tế. Nhưng một khi đã xảy ra bệnh tình, đâu còn chọn lựa nào khác.
Trách nhiệm xã hội được đặt lên ý thức và năng lực của hệ thống cơ quan chức năng, một khi hệ thống này hoạt động thiếu đồng bộ, trách nhiệm ấy không thể hoàn thành. Mong sao trách nhiệm phòng bệnh cho dân của bộ máy chính quyền, cùng với ý thức tự phòng bệnh của người dân tìm được điểm gặp nhau, ngăn bớt cơn thủy triều ung thư đang cuốn đi quá nhiều sinh mạng.
Những cái nhất đáng sợ • Ngày 9-11, tại diễn đàn “Bảo vệ môi trường - Những vấn đề cấp bách”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thẳng thắn khẳng định chi phí môi trường ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước. Theo ông, các nhà đầu tư ngoại đổ vào Việt Nam bởi chi phí môi trường, thuế môi trường chỉ bằng 1/4 các nước. • Ngày 11-11, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết mức tiêu thụ bia của Việt Nam đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ ba châu Á. • Ngày 23-9, Bộ Y tế cảnh báo Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia hút thuốc nhiều nhất thế giới. |