Về làng Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), câu chuyện nước sạch luôn là vấn đề nóng nhất của người dân nơi đây, đặc biệt là trong những ngày Hà Nội đang phải hứng chịu đợt nắng nóng trên diện rộng.
Thiếu nước sạch ngay giữa thủ đô
Theo công bố của Bộ TN&MT, Lũng Vị là một trong 10 ngôi làng có nguồn nước ô nhiễm nhất Việt Nam, cũng là một trong những làng có tỉ lệ “khủng” người mắc ung thư.
Ông Phan Ngọc Kiên, một người dân trong làng, cho hay từ nhiều năm nay gia đình ông không dám sử dụng nước bơm trực tiếp từ giếng vào ăn uống. Để có nước sinh hoạt, gia đình ông phải chia thành hai loại rõ ràng nhằm đảm bảo sức khỏe.
Theo đó, loại thứ nhất là nước mưa, loại này thụ động nên phải có bể để chứa. Gia đình ông đã đầu tư tiền mua một két nước gần 2.000 m3 để dự trữ. Nguồn nước này sạch đảm bảo không bị ô nhiễm nên chỉ để dành cho việc nấu ăn, đun nước uống. Loại thứ hai là nước bơm trực tiếp từ giếng lên, loại này chỉ được dùng để giặt giũ, rửa chén bát...
Vài năm trở lại đây, khi điều kiện kinh tế khá hơn, gia đình ông và nhiều người trong thôn đã mua máy lọc. Nước bơm từ giếng sẽ được lọc qua máy, sau đó sử dụng vào ăn uống những khi cạn nguồn nước mưa.
“Ở đây, có tiền chưa chắc đã mua nổi nước sạch mà dùng. Quanh năm phải chung sống với thứ nước ô nhiễm, đời mình có thể không quá bận tâm nhưng đời con cháu mình thì rất lo lắng” - ông Kiên chia sẻ.
Nói rồi, ông dẫn PV ra khu vực giếng của gia đình, bơm một ít nước từ giếng vào chậu và bảo quan sát, dùng mũi để cảm nhận. Đáng kinh ngạc, nửa chậu nước vừa được bơm lên đã xuất hiện rất nhiều cặn bẩn dưới đáy chậu. Đáng ngại hơn, khi đưa mũi tới gần, một mùi tanh của nước xộc thẳng lên tận não.
Vừa nghe đặt vấn đề về sự ô nhiễm nguồn nước của làng, ông Trần Trọng Hỹ, trưởng thôn Lũng Vị, lập tức nhăn nhó: “Dân ở đây khổ quá chú ạ, hàng chục năm nay phải sử dụng thứ nước ô nhiễm, lâu ngày, bệnh tật cứ tự tìm đến. Chúng tôi rất tâm tư nhưng cũng chỉ biết phản ánh đến chính quyền xã để đề bạt lên cấp cao hơn”.
Ông Hỹ đưa PV tới chiếc giếng chung ở đầu làng. Gọi là giếng chung vì đây là nguồn nước sinh hoạt độc nhất của hàng chục hộ dân trong thôn. Quan sát chiếc giếng, phía dưới có tới bảy ống dẫn của bảy hộ dân cắm xuống, màu nước bên dưới vẩn đục, nổi váng và bốc mùi rất khó chịu.
Ông Hỹ cho hay khu vực giếng chung là nơi có nguồn nước ô nhiễm nhất trong làng nhưng vì không có nước, các hộ không còn lựa chọn nào khác. Cũng theo vị trưởng thôn, trước đây một số đơn vị đã về địa phương khoan thử giếng, tuy nhiên kết quả đều không tìm được nguồn nước sạch.
Chiếc giếng chung với nguồn nước đục ngầu, bốc mùi tanh khó chịu đang là nguồn nước sinh hoạt duy nhất của bảy hộ dân. Ảnh: TUYẾN PHAN
Cụ Nguyễn Thị Tuất đã mất chồng và năm người con trai đều vì căn bệnh ung thư gan. Ảnh: TUYẾN PHAN
Một công nhân đang thu dọn sản phẩm từ quá trình tái chế nhôm.
Những bãi rác khổng lồ từ phế phẩm tái chế nhôm cùng hàng loạt ống khói mọc lên tua tủa.
Giàu vì nhôm, khổ cũng vì nhôm
Thôn Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề tái chế nhôm từ vài chục năm nay. Cả thôn có khoảng 600 hộ thì có tới hơn 300 hộ trực tiếp tham gia vào nghề này, số còn lại hầu hết cũng đều làm các công việc liên quan đến nhôm.
Không khó để nhận ra đây là ngôi làng phát triển nhất nhì trong xã, thậm chí là trong huyện. Những ngôi nhà cao tầng mọc sát nhau, những chiếc ô tô sang trọng đậu đầy đường, những quán karaoke cực to..., tất cả đều do nhôm mang lại.
Mang lại nhiều thứ nhưng nhôm cũng lấy đi của người dân Mẫn Xá không ít, đặc biệt là môi trường sống. Bởi nghề tái chế nhôm gắn liền vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là khi các hộ dân ở đây chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, mô hình tự phát càng tăng thêm sự ô nhiễm.
Trong dự án nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề được công bố mới đây do Bộ TN&MT thực hiện, kết quả cho thấy Mẫn Xá là một trong 37 làng ung thư của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, không khí.
Đến Mẫn Xá lần đầu tiên, có lẽ ấn tượng nhất là sự giàu có. Dù chỉ là một thôn nhưng đời sống của người dân nơi đây sầm uất chẳng kém gì các trung tâm lớn. Thế nhưng khi tiến thêm vào bên trong, ấn tượng thứ hai sẽ là những màn khói nhờ nhợ với một mùi khét vô cùng khó chịu, càng đi sâu cảm nhận về nó sẽ càng rõ ràng.
Mặc dù đeo khẩu trang nhưng PV không khỏi bị sốc trước thứ mùi của những làn khói đặc trưng nơi đây. Đó là thứ mùi khét, rất hắc, nếu hít thở trực tiếp nó sẽ nhanh chóng xộc thẳng lên tận não, ngửi lâu có cảm giác choáng váng.
Chưa hết, đằng sau những dãy nhà cao tầng san sát nhau, những chiếc xế hộp bạc tỉ lại chính là những đống rác ngổn ngang khắp ngõ làng. Đó chính là các phế phẩm từ quá trình tái chế nhôm để lại, một nguồn gây ô nhiễm môi trường không hề nhỏ. Người dân Mẫn Xá đã sống, đã hít thở những thứ như vậy trong hàng chục năm nay.
Ông Mẫn Văn Tán, trưởng thôn Mẫn Xá, cho biết vấn đề ô nhiễm không khí là câu chuyện nhức nhối của thôn. Giải thích về làn khói luôn bao bọc Mẫn Xá, ông Tán nói rằng đó là khói do người dân nấu nhôm bằng dầu, còn mùi khét là từ quá trình tái chế nhôm.
“Số lượng người dân ở đây mắc bệnh về phổi rất nhiều. Đối với khói và mùi, dù đeo khẩu trang nhưng tiếp xúc suốt tháng, suốt năm cũng không thể tránh khỏi. Không chỉ khói bụi, lượng xỉ lớn từ các hộ sản xuất nhôm cũng gây ô nhiễm môi trường” - ông Tán cho hay.
Đặc biệt, cũng giống với 37 làng ung thư khác, số lượng người mắc và chết vì ung thư tại Mẫn Xá cũng thuộc hàng đầu sổ. Tính bình quân hằng năm, cả chục trường hợp tử vong vì liên quan đến các căn bệnh ung thư.
Xử lý ô nhiễm đến bao giờ? Để giảm thiểu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường, đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế nhôm thôn Mẫn Xá với tổng vốn đầu tư hơn 44 tỉ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục chính như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng bãi tập kết và trung chuyển rác thải sản xuất, sinh hoạt, lắp đặt hệ thống xử lý nước - khí - bùn thải... Bên cạnh đó UBND xã Văn Môn cũng đã lập đề án quy hoạch khu công nghiệp, làng nghề tập trung với diện tích khoảng 30 ha. Tuy nhiên, hiện các công đoạn của dự án này vẫn đang còn vô cùng ngổn ngang, cái đích sản xuất tập trung của Mẫn Xá vẫn còn rất xa vời. Sáu người trong một gia đình chết vì ung thư Theo kết quả điều tra, khảo sát tại các xã của 37 làng ung thư thuộc dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam” do Bộ TN&MT thực hiện năm 2012, tại các làng này có trên 1.100 người chết vì các bệnh ung thư. Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong năm 2014, Lũng Vị có hơn 400 hộ gia đình nhưng có tới 14 người chết, trong đó bảy trường hợp là do ung thư. Đau lòng là có gia đình có tới sáu người tử vong vì bệnh ung thư, đó là trường hợp gia đình cụ Nguyễn Thị Tuất (72 tuổi). Cụ Tuất có năm người con trai thì cả năm đều chết vì ung thư gan, chồng của cụ cũng mất vì căn bệnh quái ác này. |