Sau một ngày đi gánh nước thuê, đẩy cửa bước vào nhà, chị Biển hốt hoảng thấy chồng đang nằm lăn dưới đất, hai đứa con nhỏ ngồi ôm cha khóc nghẹn. Chị vội vàng bế chồng lên xe lăn. Hỏi ra chị mới biết anh Uy - chồng chị đã với tay lấy ly nước uống, chẳng may bị té xuống đất. Hai đứa con không sao đỡ cha lên xe lăn được, chỉ biết khóc chờ mẹ về. Đó là một trong vô vàn kỷ niệm của chị Biển về chồng con.
Hằng đêm dưới ánh đèn điện không đủ sáng trong căn nhà cấp bốn nằm trên đường 30/4, TP Vũng Tàu, chị Biển ngồi bóp chân cho chồng. Nước mắt rưng rưng, chị không kể về gần 30 năm dài khó nhọc nâng đỡ, vệ sinh cho chồng mà lại nói đến hạnh phúc nhỏ nhoi của mình.
Cô dâu và chiếc xe lăn ngày cưới
Thời con gái, chị Biển đẹp đằm thắm và có nhiều người dạm hỏi. Năm 1986, chị đem lòng yêu thương anh Uy. Anh là cựu thanh niên xung phong ở Trung đoàn 234, Quân đoàn 3, bị tai nạn lao động trong thời còn quân ngũ khiến hai chân bị liệt, mất 61% sức khỏe. Mặc cho cha mẹ can ngăn, bạn bè cản trở, chị vẫn quyết lấy anh. Dù chị biết có quá nhiều khó khăn ở phía trước, dù chị hiểu mình sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng trái tim mách bảo chị đã thuộc về anh - người lính có ánh mắt cương nghị. Ngày đám cưới, nhìn cô dâu hạnh phúc đẩy chồng ngồi trên xe lăn, nhiều người cảm động rơi nước mắt nhưng cũng có không ít người gièm pha. Người thì ác miệng: “Gái lành mà đi lấy chồng què”, người thì xót xa: “Con Biển nó đẹp vậy mà cái số chẳng ra gì!”. Ngày vui nhất của cuộc đời cũng là ngày chị Biển bồi hồi nước mắt. Chị không khóc vì điều tiếng chê cười mà khóc bởi cảm nhận được tình yêu sâu đậm mà anh dành cho chị.
Đêm nào chị Biển cũng thức bóp chân cho người chồng cựu binh: Ảnh: TC
Sau ngày cưới, dù ngồi xe lăn nhưng anh Uy vẫn có thể nhặt rau cho vợ, quét nhà, phơi quần áo... Còn chị Biển vừa là trụ cột kiếm tiền vừa là chỗ dựa tinh thần vững chắc để chồng vượt qua bệnh tật. Thời gian trôi mau, “đôi đũa lệch” sinh con trai đầu lòng rồi có thêm một nàng công chúa. Hạnh phúc đong đầy trong căn nhà nhỏ.
Nuôi chồng chẳng quản nắng mưa
Theo thời gian, bệnh tật của anh Uy ngày càng trầm trọng. Chị Biển vốn chịu thương chịu khó làm lụng nay càng phải quần quật đi làm thuê, từ gánh nước mướn đến lượm ve chai để kiếm tiền nuôi chồng con, mua thuốc thang cho chồng.
Từ năm 2004, anh Uy phát thêm bệnh lao não, không ngồi xe lăn được mà phải nằm một chỗ. Gánh nặng chăm sóc chồng càng đè thêm lên đôi vai chị. Nếu trước đây chị bế chồng lên xe lăn, rồi anh tự lăn xe, tự ăn, tự uống thì nay chị phải làm tất cả, từ thay quần áo, tắm rửa, đút cho anh ăn. Cực nhất là mỗi khi anh Uy đi vệ sinh, chị Biển phải đeo găng tay thò vào hậu môn chồng móc phân ra ngoài. Công việc bất đắc dĩ ấy đã 11 năm qua, dẫu nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ chị than phiền mà chỉ nói nhẹ tênh: “Gặp hoàn cảnh như tôi ai cũng làm vậy thôi”. Nghe vợ nhắc đến chuyện vệ sinh của mình, anh Uy ngẩng đầu dậy phân trần: “Gan, thận của tôi chắc đã hư hết rồi. Chỉ khổ thân vợ tôi!”.
Trên chiếc giường cũ kê giữa nhà, anh Uy nằm liệt như ngọn đèn treo trước gió. Do nằm lâu không vận động, bụng anh ngày một trướng to, hai chân phù nề tê nhức do máu khó lưu thông. Đêm đêm chị Biển thức bóp chân cho chồng, rồi nằm cạnh anh thủ thỉ động viên. Hỏi chị có ân hận không khi lấy một người bại liệt, chị nhìn chồng mà ứa hai hàng nước mắt: “Thiệt thòi thì có nhưng ân hận thì không. Mình thương thì lấy, sướng khổ mình chịu. Đâu phải nhà cao cửa rộng mới có hạnh phúc”.
Căn nhà trong ước nguyện cuối đời của người cựu binh Căn nhà mà vợ chồng anh Uy và chị Biển lâu nay sinh sống vốn là nhà của người anh chồng cùng cha khác mẹ cho mượn tạm. Năm 2012, căn cứ vào Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, UBND TP Vũng Tàu đã có công văn giao cho UBND phường 5 bố trí nhà cho anh Uy. Tuy nhiên, quyết định này ghi rõ: “Thời gian cư trú từ ngày 19-9-2012 đến hết 31-12-2012. Khi Nhà nước thu hồi thì phải bàn giao ngay và không được đền bù, không được hưởng các hỗ trợ khác”. Như vậy, căn nhà mà anh Uy được cấp chỉ là phường cho tạm trú tạm thời. Do nhà nằm cạnh cảng cá, mùi hôi bốc lên ảnh hưởng đến bệnh của anh Uy nên anh chị đành tiếp tục ở nhờ nhà anh chồng. Anh Uy chia sẻ: “Tôi sợ nhất là khi tôi chết đi, Nhà nước thu hồi nhà thì vợ con tôi không biết tá túc ở đâu. Ước nguyện của tôi là được nhìn thấy căn nhà nho nhỏ của riêng mình. Được như vậy thì dù có nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng an lòng”. |