Ủy ban kiện dân đòi 55 ha đất trồng cao su

(PLO)- Người dân ký hợp đồng kinh tế với nông trường thời hạn 50 năm để trồng cây cao su, ủy ban kiện yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu, đòi lại đất và được tòa tuyên thắng kiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-8, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên án vụ tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên hợp đồng kinh tế vô hiệu và hủy văn bản hành chính trong lĩnh vực đất đai giữa nguyên đơn là UBND thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và bị đơn là bà Huỳnh Thị Lan Phương (ngụ quận 1, TP.HCM).

Ký hợp đồng 50 năm để trồng cây cao su

Theo đơn khởi kiện, Nông trường Cao su Bời Lời là đơn vị thuộc Huyện ủy Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng). Từ năm 1992 đến 1997, nông trường này đã ký kết các hợp đồng kinh tế với bà Phương, thời hạn 50 năm trên diện tích 55 ha để trồng cây cao su.

Tuy nhiên, sau này Nông trường Cao su Bời Lời giải thể và sáp nhập vào Công ty Cao su 30/4 (thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh), kèm theo đó là để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nên tỉnh Tây Ninh đã thu hồi diện tích đất nêu trên và buộc bà Phương phải bàn giao lại toàn bộ diện tích cao su này.

Vườn cao su liên quan đến hợp đồng kinh tế mà các bên tranh chấp. Ảnh: PL

Vườn cao su liên quan đến hợp đồng kinh tế mà các bên tranh chấp. Ảnh: PL

Do đó, UBND thị xã Trảng Bàng khởi kiện yêu cầu tuyên bố các hợp đồng kinh tế mà Nông trường Cao su Bời Lời đã ký với bà Phương vô hiệu; buộc bà Phương phải bàn giao lại toàn bộ diện tích 55 ha đất.

Không đồng ý, bà Phương đã có yêu cầu phản tố cho rằng hợp đồng hai bên đã ký là 50 năm, đến năm 2042 mới hết hạn nên các hợp đồng này vẫn còn hiệu lực.

Ngoài ra, phía bị đơn còn cho rằng đã đầu tư trồng cây cao su niên hạn 50 năm, đúng bằng thời gian của hợp đồng nên việc chấm dứt hợp đồng trước hạn gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của mình. Từ đó, bà Phương yêu cầu tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu tòa tuyên hủy hai thông báo của UBND thị xã Trảng Bàng (thông báo về việc bàn giao lại đất).

Tại phiên tòa, bị đơn cho rằng UBND thị xã Trảng Bàng không có quyền khởi kiện vì chủ thể trong hợp đồng là Công ty Cao su 30/4. Trong khi đó, nguyên đơn cho biết Công ty Cao su 30/4 không phải là chủ sử dụng đất mà đất đang do UBND thị xã Trảng Bàng quản lý nên có quyền khởi kiện.

Bị đơn sẽ kháng cáo

“Tôi không đồng ý với phán quyết của tòa và tôi sẽ kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm. Số tiền 12 tỉ đồng bồi thường đối với 55 ha cao su mà tôi đã đầu tư là quá thấp và tôi sẽ yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung này” - bà Phương nói với PV sau khi tòa tuyên án.

Tòa: Đã hết thời kỳ khai thác cây cao su

Theo HĐXX, diện tích đất đang có tranh chấp với bà Phương nằm trong diện tích hơn 900 ha mà UBND tỉnh giao cho thị xã Trảng Bàng vào năm 2001. Nhưng từ khi được giao đất đến nay, diện tích 55 ha này do bà Phương quản lý, sử dụng nên UBND thị xã Trảng Bàng có quyền khởi kiện để yêu cầu trả lại đất.

Về thẩm quyền giao đất, theo HĐXX các hợp đồng kinh tế mà Nông trường Cao su Bời Lời đã ký với bà Phương trồng cao su là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 24 Luật Đất đai 1993 (thẩm quyền giao đất thuộc về UBND cấp huyện, nông trường không có thẩm quyền). Do việc giao đất không đúng thẩm quyền nên yêu cầu tuyên bố các hợp đồng kinh tế vô hiệu của nguyên đơn là có căn cứ.

Về chu kỳ khai thác của cây cao su, HĐXX cho biết theo văn bản của Tập đoàn Cao su Việt Nam thì từ khi trồng đến khi khai thác cây cao su là 26-29 năm nên đến nay bà Phương đã quản lý, khai thác trên 29 năm nên đã hết chu kỳ khai thác.

Từ các căn cứ trên HĐXX đã tuyên các hợp đồng kinh tế ký kết giữa nông trường với bà Phương vô hiệu, buộc bà Phương phải bàn giao lại cho UBND thị xã Trảng Bàng 55 ha đất, UBND được quyền sở hữu toàn bộ tài sản trên đất. Đồng thời, UBND phải có nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trên đất cho bà Phương theo kết quả định giá là hơn 12 tỉ đồng.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm