Theo thông tin chính thức từ cuộc họp báo chiều 7-5-2014 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức: Để bảo vệ cho giàn khoan dầu khí HD-981 đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu các loại (ngày 2/5: 27 tàu, ngày 3/5: 37 tàu, ngày 5/5: 66 tàu).
Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Kiểm ngư của Việt Nam ngày 4/5. |
Cao điểm nhất, phía Trung Quốc có đến 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự. Hiện ta đã xác định được hai tàu chiến trong số 7 tàu: Đó là tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ-II mang số hiệu 534 và tàu tấn công nhanh số hiệu 753 (theo dự đoán là tàu tên lửa cao tốc lớp Hậu Tân).
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ-II
Tàu hộ vệ tên lửa Type 053H1 (mã định danh NATO là Jiang hu-II, tức Giang Hồ II) là lớp tàu hộ vệ tên lửa đang phục vụ với số lượng lớn trong biên chế Hải quân Trung Quốc. Các tàu Type 053H1 được đóng tại nhà máy đóng tàu Hudong ở Thượng Hải. Tàu dài 103,2m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.425 tấn. Tàu được trang bị động cơ diesel cho tốc độ tối đa 28 hải lí/h, khả năng hành trình lên đến 4.000 hải lí. Biên chế thủy thủ đoàn 200 người. Tàu có thể mang theo một trực thăng.
Tàu hộ vệ tên lửa Giang Hồ II mang số hiệu 534 |
Tàu hộ vệ tên lửa Giang Hồ II được trang bị radar cảnh giới đường không hai tham số băng tần I loại Type 354 (mã định danh NATO Eye Shield), radar cảnh báo sớm hàng hải tầm xa băng tần G Type 517 (mã định danh NATO Knife Rest), radar điều khiển hỏa lực băng tần E/F loại Type 352 (mã định danh NATO Square Tie) dùng cho tên lửa diệt hạm, radar điều khiển hỏa lực băng tần I loại Type 341 dùng cho pháo 100mm, radar điều khiển hỏa lực băng tần I loại Type 343 dùng cho pháo phòng không 37mm, radar hàng hải Type 752 … Tàu cũng được trang bị sonar loại SJD-5, sonar trinh sát SJC-1B, sonar liên lạc SJX-4.
Về vũ khí trang bị, hỏa lực chính của tàu là 2 bệ phóng tên lửa diệt hạm C-201. Đây là loại tên lửa diệt hạm đã lạc hậu, dựa trên thiết kế tên lửa diệt hạm P-15 Termit của Liên Xô, tốc độ bay chỉ Mach 0,8, tầm bắn chỉ 85km. Bù lại. C-201 nặng 2.998kg và mang đầu nổ đến 513kg, có sức công phá cao, xác suất diệt mục tiêu với một đạn C-201 là 70%.
Bên cạnh tên lửa diệt hạm, tàu hộ vệ Giang Hồ II còn có 2 pháo Type 79 cỡ 100mm 2 nòng (tầm bắn 22,5km, tốc độ bắn 50 phát/phút) và 2 pháo phòng không 37mm 2 nòng. Đây vừa là hỏa lực phòng không, vừa là hỏa lực chống tàu và bắn phá bờ biển của tàu.
Vũ khí chống ngầm của tàu là hai giàn phóng rocket chống ngầm Type-81 (sao chép từ mẫu RBU-1200 của Liên Xô) và bom chìm chống ngầm.
Tàu hộ vệ tên lửa Giang Hồ II số hiệu 534 được mang tên Jinhua, tức Kim Hoa, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang. Tàu được đóng năm 1982, ban đầu trực thuộc Hạm đội Đông Hải, sau đó chuyển cho Hạm đội Nam Hải.
Nhìn chung, đây là tàu chiến loại cũ, trang bị vũ khí đã lạc hậu, yếu cả về điện tử, diệt hạm lẫn phòng không, chưa đủ sức chiến đấu với các tàu chiến hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, phía Việt Nam không hề sử dụng lực lượng quân sự trong những xung đột quanh giàn khoan HD-981, nên những tàu chiến như Giang Hồ II có sức uy hiếp rất lớn với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Tàu tên lửa cao tốc lớp Hậu Tân
Tàu tên lửa cao tốc Type 037-IG (mã định danh NATO là Houxin, tức Hậu Tân) là loại tàu tên lửa tấn công nhanh được phát triển từ lớp tàu săn ngầm Type 037 (mã định danh NATO là Haijiu). Tổng cộng đã có tất cả 24 tàu tên lửa Hậu Tân được đóng ở nhà máy đóng tàu Qiuxin ở Thượng Hải trong giai đoạn 1991-1997. Sáu tàu được bán cho Myanmar. Hiện nay, tất cả các tàu tên lửa lớp Hậu Tân còn lại đều được biên chế cho Hạm đội Nam Hải.
Tàu tên lửa cao tốc Hậu Tân mang số hiệu 752 trong chuyến tuần tra chung tháng 6-2012 với Hải quân Việt Nam. |
Tàu tên lửa cao tốc Hậu Tân dài 62m, lượng giãn nước 478 tấn, được trang bị động cơ diesel cho tốc độ tối đa 32 hải lí/h, tầm hoạt động 3.200km, thủy thủ đoàn biên chế 60 người. Tàu được trang bị radar hàng hải Type 723, radar trinh sát và điều khiển hỏa lực băng tần I loại Type 352E (mã định danh NATO Square Tie) dùng cho tên lửa diệt hạm, và radar điều khiển hỏa lực băng tần I loại Type 347G (mã định danh NATO Rice Lamp) dùng cho pháo phòng không 37mm.
Trang bị vũ khí của tàu gồm hai bệ phóng tên lửa diệt hạm với 4 tên lửa C-802, tốc độ bay Mach 0,9, tầm bắn 120km. Tên lửa mang đầu nổ 165kg, nên có sức công phá thấp hơn loại C-201 trang bị trên tàu hộ vệ tên lửa Giang Hồ II. Ngoài tên lửa diệt hạm, tàu còn có hai pháo phòng không 37mm hai nòng Type 76A, với tầm bắn 9,4km, tốc độ bắn 400 phát/phút và hai trọng liên phòng không 14,5mm hai nòng Type 61. Tàu tên lửa Hậu Tân cũng đã khá lạc hậu, rất yếu về mặt phòng không, và đang được lên kế hoạch hiện đại hóa.
Điều đáng nói, là Hải quân Nhân dân Việt Nam không còn xa lạ gì chiếc tàu tên lửa Hậu Tân mang số hiệu 753. Con tàu này đã nhiều lần tham gia các chuyến tuần tra chung trên biển giữa hải quân hai nước, được tổ chức mỗi năm hai lần kể từ năm 2006.
Có thể kể ra: Tháng 6-2011, hai tàu tên lửa cao tốc Hậu Tân số hiệu 753 và 755 đã tiến hành tuần tra chung thường niên lần thứ 11 với hai tàu tên lửa cao tốc Đề án 1241.8 mang số hiệu HQ-375 và HQ-376 của Việt Nam. Tiếp theo, tháng 6-2012, hai tàu tên lửa cao tốc Hậu Tân số hiệu 752 và 753 lại tiếp tục tiến hành tuần tra chung thường niên lần thứ 12 với hai tàu quét mìn Đề án 1265 mang số hiệu HQ-861 và HQ-862 của Việt Nam. Lần này, hai bên còn tổ chức diễn tập chống cướp biển ở phía đông đảo Thanh Lân.
Tuy nhiên, lần trở lại biển Đông này của tàu tên lửa Hậu Tân số 753 không còn mang theo thiện chí hòa bình, mà là trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển. Việc xuất hiện các tàu chiến mang pháo và tên lửa diệt hạm trên vùng biển Việt Nam đang làm gia tăng căng thẳng. Đây là hành động mang tính uy hiếp các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, và sẽ bị đáp trả bằng các biện pháp phù hợp.
Theo Infonet