Màn trình diễn thật đẹp của các cầu thủ trẻ U-19 Việt Nam hậu giải giao hữu U-19 Đông Nam Á đã mang đến nhiều cảm giác hạnh phúc cho người yêu bóng đá. Chưa bao giờ người ta phát cuồng vì yêu rồi thêu dệt lên nhiều câu chuyện lãng mạn và bay bổng đến thế. Họ thầm mơ đến một ngày nào đó bóng đá Việt Nam sẽ chơi cúp thế giới từ cái nền U-19 đang làm ngất ngây nhiều giới.
Vì thế cũng không lạ khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu muốn đưa cả đội U-19 hiện tại chơi ở những giải lớn hơn để lấy lòng người hâm mộ. Ông Dũng đã phán chắc như đinh đóng cột và còn kéo thêm cái chức vụ chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII cho đến năm 2018 để làm nặng ký hơn cho lời tuyên bố giao việc cho U-19 trong vài năm tới.
Một bộ phận ủng hộ ông Dũng nói rằng điều này là hợp lý bởi phải cho các em chơi thật nhiều giải mới dễ cứng cáp lên. Thực tế một số quốc gia Đông Nam Á đã từng cho nhiều cầu thủ dưới 20 tuổi chơi SEA Games như một cách rèn luyện sớm hơn theo kiểu “xé nháp” chờ gặt vụ sau. Thế nhưng tất cả đều có chọn lọc và chủ yếu cài cắm với lớp đàn anh chứ không phải bê nguyên đội thiếu tuổi thi đấu với người lớn. Riêng chuyện đi vòng loại World Cup thì cũng cần xem lại bởi không ai lấy các cầu thủ mới lớn đá thay cho đội tuyển quốc gia.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng muốn “nho xanh” U-19 phải chín liền và thay cho cả nền bóng đá. Ảnh: XUÂN HUY
Vấn đề lại là lứa “gà chọi” của bầu Đức dày công nuôi nấng ăn học đã bảy năm trời có đủ sức gánh vác thay cho cả một nền bóng đá ngay từ khi chưa đủ tuổi chơi các giải lớn.
Nên nhớ lò đào tạo trẻ của bầu Đức chỉ chuyên dạy tấn công (tiền vệ và tiền đạo) mà không phải là một đội tuyển có đầy đủ phẩm chất và tư duy trên mọi vị trí. Hơn nữa, công việc chọn lựa nhân tài cho đội tuyển quốc gia là việc của HLV trưởng và bộ phận chuyên môn chứ không thuộc quyền ông chủ tịch.
Ngay cả HLV Guillaume vẫn thú nhận trong các học trò của ông chỉ có một vài cầu thủ có thể chơi V-League mùa sau và trong số đó không phải ai cũng có một suất đá chính thức.
Thế nên cách nói của ông Dũng rất dễ gây hiểu lầm và thậm chí là chán chường cho các CLB trẻ khác trên cả nước bởi những nỗ lực và khao khát lên tuyển của họ bị ngăn cách bởi một cái hàng rào vô hình.
Tuyên bố của ông Dũng có khi lại gây hiệu ứng ngược là “ăn theo” bởi VFF cần khuyến khích hoặc tạo ra nhiều lò đào tạo khác để nền bóng đá hùng mạnh hơn là cứ chăm bẳm vào ánh hào quang của U-19.
CÔNG TUẤN
Sao không nhân rộng mà lại khép kín? Hiệu ứng U-19 đáng lẽ phải được nhân rộng ở nhiều CLB, nhiều lò đào tạo thì đằng này nó lại bị chính những nhà điều hành bóng đá khoanh lại ở lứa U-19 vừa tạo nên tiếng vang. Cách nghĩ đấy của những người làm bóng đá đã làm tổn thương các cầu thủ Olympic vừa có chiến thắng hào hùng trước Olympic Iran 4-1 và làm những người tận tâm, tận lực với bóng đá hoặc đang phấn đấu cao như những tuyển thủ sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương ghê gớm. Phải thừa nhận rằng lứa U-19 Việt Nam hiện nay là những viên ngọc đang được mài giũa chứ không phải thứ trang sức đã hoàn chỉnh và được đặt ở hiệu kim hoàn. Vì thế nên để các em phát triển đúng hướng và đúng lộ trình thay vì cho các em thay thế cả một nền bóng đá. Cách làm kiểu nhất bên trọng, nhất bên khinh và ôm hết U-19 vào như thế rất dễ hủy hoại đến sự phát triển của một nền bóng đá và hủy hoại chính cả các cầu thủ U-19 Việt Nam đang phát triển đúng lộ trình, đúng quỹ đạo. TẤN PHƯỚC |