Chuyện bà Mai Thi ‘lên bờ xuống ruộng’

Năm 2017, nhà khoa học Mai Thi ở tỉnh Sóc Trăng bị cơ quan chức năng địa phương xử lý kỷ luật vì liên quan đến chuyện nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm sinh học giúp bà con nông dân nuôi tôm. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có kết luận và xóa hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà.

“Phép màu” ST Bacilli MT

Đầu năm 2016, ĐBSCL đại hạn, đúng vào chính vụ nuôi tôm. Vì vậy dịch bệnh tôm tràn lan, hàng loạt diện tích thả giống đợt 1 bị thiệt hại nặng, người nuôi hết vốn, nợ nần chồng chất.

Giữa lúc đó, nhận được tin một số hộ nuôi thử nghiệm với vi sinh ST Bacilli MT đạt hiệu quả, ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nay là phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, lập tức tổ chức đoàn đi khảo sát. Mờ sáng, chiếc xe chở toàn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ nuôi trồng thủy sản lên đường.

Khoảng 8 giờ, đoàn đến nhà ông Lý Chính Trường Sơn ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu. Chủ nhà tươi cười kể nhờ được hỗ trợ chế phẩm vi sinh ST Bacilli MT làm sạch môi trường ao, thả giống 25 con/m2, tôm phát triển rất tốt. Cán bộ kỹ thuật chài tôm để xem, sau 46 ngày tôm đã đạt kích cỡ 150 con/kg, đều rất khỏe mạnh. Đây là vùng xa xôi, nghèo khó, người nuôi tôm thiếu hụt mọi thứ, trước kia thường mua thuốc trừ sâu để xử lý nước khiến đất nhiễm độc nặng, thả tôm giống xuống hay bị chết. Gặp hạn hán, độ mặn đến 28‰ thì càng khó khăn. Ông Sơn kể: “Vậy mà sử dụng ST Bacilli MT đã làm sạch được đất và nước, tôm không còn bị dịch bệnh gì ráo trọi”.

Đoàn tiếp tục vượt hơn 60 cây số nữa, đến nhà ông Nguyễn Văn Hết ở ấp Hòa Nhờ, xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên), tôm cũng đang phát triển rất tốt. Ông Hết vui vẻ: “Ao rộng 1.500 m2, tôi sử dụng 5 kg ST Bacilli MT xử lý môi trường và thêm men tiêu hóa, chất khoáng, không sử dụng kháng sinh hay hóa chất nào khác mà tôm khỏe mạnh, lớn nhanh”.

Chiều muộn, đoàn lại qua phà vượt sông đến xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), lội bộ mấy cây số để đến hai hộ ở ấp Tắc Gồng. Tôm nuôi ở đây mới 100 ngày đã đạt 40 con/kg trong môi trường nước cực tốt nhờ sử dụng chế phẩm ST Bacilli MT.

Bà Mai Thi (thứ hai từ trái sang) và ông Trần Đình Luân cùng cán bộ nông nghiệp kiểm tra tôm nuôi sử dụng chế phẩm ST Bacilli MT. Ảnh: SÁU NGHỆ

Cho áp dụng rộng rãi chế phẩm của bà Mai Thi

Tối mịt, đoàn công tác trở về, ai cũng mệt nhưng không khí vui vẻ hẳn. Có người băn khoăn sao chọn toàn những hộ xa xôi để thử nghiệm chế phẩm vi sinh. Bà Mai Thi có mặt trong đoàn giải thích đó là những hộ rất nghèo, cần giúp đỡ khôi phục sản xuất, hơn nữa họ không còn tiền mua thứ khác xử lý nên đánh giá kết quả mới chính xác.

Cả bốn hộ trên, năm 2016 nuôi tôm lời hơn 1,4 tỉ đồng. Đó cũng là kết quả thử nghiệm chế phẩm ST Bacilli MT giữa Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng và Trung tâm Quan trắc TN&MT Sóc Trăng, do bà Mai Thi làm giám đốc. Kết quả được Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng giới thiệu trong Hội thảo các mô hình khuyến nông hiệu quả, in thành sách lưu hành.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Đình Luân lúc đó yêu cầu cấp dưới nhân rộng việc nuôi tôm dùng chế phẩm ST Bacilli MT. Vài ý kiến ngần ngại là cần chờ xin phép, kinh phí nhưng ông Luân kiên quyết: Phải làm ngay bởi chờ đợi nếu tôm chết hết, dân bỏ đất đi làm thuê thì khó cứu ngành tôm. Sau đó nhiều cấp, nhiều ngành và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lặn lội xuống với người nuôi tôm. Kết quả thắng lợi càng nhiều và chủ tịch HĐND tỉnh có công văn đề nghị UBND tỉnh cho áp dụng rộng trong năm 2017.

Tâm huyết và kỷ luật

Bà Mai Thi sinh ra, lớn lên trong gia đình cha mẹ là nhà giáo, tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thực phẩm năm 1996, làm việc tại Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng. Mấy năm, bà chuyển sang Sở TN&MT và năm 2012 được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT. Những năm đó bà còn đi học xử lý nước ở Thụy Điển, học thạc sĩ công nghệ sinh học và từ năm 2012 đến 2017 nghiên cứu tiến sĩ về vi sinh vật ở Trường ĐH Cần Thơ.

Khi nghiên cứu tiến sĩ, bà Mai Thi chủ trì cùng các cộng sự có “Giải pháp sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường ST Bacilli”, đoạt giải nhì của hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2014-2015. Nhóm tác giả được tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh, còn bà Mai Thi được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.

Tuy nhiên, để sử dụng ST Bacilli MT hiệu quả, cần hướng dẫn người nuôi tôm. Thế nhưng bà Mai Thi sau đó lại bị kiểm điểm, mất chức giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT. ngày 22-8-2017 bị khiển trách về Đảng và ngày 27-11-2017 bị cảnh cáo về chính quyền.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng Trần Ngọc Ẩn nói việc kỷ luật này là hoàn toàn đúng. Theo ông Ẩn, lãnh đạo Sở cũng như tỉnh luôn tạo điều kiện cho bà Mai Thi nghiên cứu khoa học nhưng bà đưa ST Bacilli MT ra ruộng tôm là sai chức năng, nhiệm vụ và khi chưa được phép của Bộ NN&PTNT là vi phạm các quy định của pháp luật.

Bà Mai Thi than thở nói khuyến khích nghiên cứu mà không cho thử nghiệm thì làm sao có được sản phẩm. Chi cục Thủy sản Sóc Trăng giải thích: Thử nghiệm là công đoạn quan trọng không thể thiếu của hoạt động nghiên cứu. Tổng cục Thủy sản cũng có công văn khẳng định sản phẩm thử nghiệm không phải xin phép.

Và cái kết có hậu

Sau một năm bị khiển trách về mặt Đảng, cách nay vài ngày, UBKT Tỉnh ủy Sóc Trăng qua giải quyết khiếu nại đã hủy bỏ hình thức kỷ luật Đảng đối với bà Mai Thi. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết sau khi xem xét toàn diện vụ việc đã thống nhất hủy quyết định nói trên. Về mặt chính quyền, bà Thi không có khiếu nại và thời hiệu khiếu nại đến nay cũng không còn.

Theo đó, UBKT Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định việc bà Thi cung cấp ST Bacilli MT trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho người dân là để thử nghiệm chế phẩm sinh học do mình nghiên cứu. Chế phẩm này có thành phần là Bacillus subtilis, đây là loài vi sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Như vậy, việc thử nghiệm này không cần phải có giấy phép lưu hành.

Đối với việc phối hợp cùng ngành nông nghiệp để cung cấp chế phẩm sinh học ST Bacilli MT trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho người dân nuôi thử nghiệm mà không báo cáo cấp trên là có khuyết điểm, vi phạm. Tuy nhiên, khuyết điểm này chưa đến mức phải kỷ luật mà chỉ cần kiểm điểm là đủ. Từ đó UBKT Tỉnh ủy Sóc Trăng chấp nhận khiếu nại của bà Thi và ban hành quyết định xóa hình thức kỷ luật khiển trách như đã nói.

Yêu môi trường từ nỗi đau gia đình

Thực tế để có chế phẩm ST Bacilli MT, tôi phải thử nghiệm kiên trì, trước hết ở ao nuôi tôm gia đình. Tôi có bốn chị em có chồng đều là kỹ sư công nghệ thực phẩm, đã thành lập doanh nghiệp, thuê 3 ha đất nuôi tôm. Đất thuê ở huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề (Sóc Trăng), những nơi môi trường khắc nghiệt, có độ mặn 5‰-15‰ để vừa nuôi tôm vừa nghiên cứu. Chế phẩm ST Bacilli MT đã cho gia đình tôi những vụ tôm thắng lợi và mở rộng được việc nghiên cứu.

Chuyện bà Mai Thi ‘lên bờ xuống ruộng’ ảnh 2
Bà Mai Thi: “Gia đình tôi có đến bảy người bị ung thư, gồm ông bà ngoại, mẹ và em gái, hai người cậu, một người dì”.

Công nghệ vi sinh phục vụ nuôi tôm có ba lĩnh vực chính: làm sạch môi trường, nuôi cấy tảo và dinh dưỡng. Chế phẩm vi sinh ST Bacilli MT có tác dụng làm sạch ao, hai lĩnh vực còn lại nhằm nuôi tôm chất lượng cao. Đến nay tôi đã nghiên cứu được hơn chục công thức, làm ra nhiều sản phẩm nuôi tôm sạch. Những sản phẩm về sau bán kinh doanh, còn ST Bacilli MT thì tuyệt đối không bán.

Tôi có tình yêu cuồng nhiệt với môi trường. Nó xuất phát từ chuyện gia đình tôi có đến bảy người phát hiện bị bệnh ung thư, gồm ông bà ngoại, mẹ và em gái, hai người cậu, một người dì. Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chính gây nên chứng bệnh đau đớn. Vì vậy nó thôi thúc tôi nguyện dành cả đời để nghiên cứu, xử lý ô nhiễm môi trường. Vì thế, chế phẩm ST Bacilli MT không thể bán kiếm lợi cá nhân.

Đã có người trả giá 2 tỉ đồng để mua công thức sản xuất ST Bacilli MT nhưng tôi từ chối. Công thức sản xuất ST Bacilli MT ra đời ở Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng và phải lưu giữ ở đó để đem lại lợi ích về môi trường cho cộng đồng, đó là phúc lợi xã hội.

MAI THI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm