Sức hút kỳ lạ từ Trường Lũy

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam là người trong sáu năm liền (2005-2010) luôn có mặt trong Nhóm nghiên cứu Trường Lũy (gồm Viện Nghiên cứu, Trung tâm Viễn đông bác cổ ở Hà Nội cùng Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi). Ông kể: “Khi tiếp cận với sách sử triều Nguyễn ghi khá rõ về chiều dài trên 117 dặm là lũy dài nhất ở Đông Nam Á, chúng tôi liên tưởng đến lũy Hadrian ở Anh - một kỳ quan thế giới nên vô cùng phấn khởi nhưng rất phân vân: Liệu Trường Lũy có còn tồn tại hay không?

Những phát hiện bất ngờ

Theo Đại Nam thực lục, Trường Lũy có chiều dài 117 dặm. Dọc theo Trường Lũy, triều Nguyễn đặt 115 đồn bảo, mỗi bảo có 10 lính sơn phòng canh giữ. Trường Lũy còn khá nguyên vẹn. Trong số 115 đồn của lính sơn phòng được dựng nên để bảo vệ Trường Lũy có đến 70 đồn vẫn còn dấu tích.

Chúng tôi theo ông Trần Trọng Tài ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông đi ngược kênh Suối Chí tìm đến “Đồn ông quan Ta” nằm ở khu vực ngoài Khu chứng tích Khánh Giang-Trường Lệ, là một trong những đồn sơn phòng được dựng lên để bảo vệ Trường Lũy với các bờ đá xếp cao. Từ đây hướng về phía tây thấy bao quát một vùng, nổi bật là đoạn Trường Lũy được đắp bằng đất sét chạy sát sông Vệ.

Sức hút kỳ lạ từ Trường Lũy ảnh 1

Một đoạn Trường Lũy khá nguyên vẹn. Ảnh: VÕ QUÝ

Trường Lũy không phải là một ranh giới đóng kín chia cắt mọi sự giao thương giữa người Kinh ở vùng thấp và các bộ lạc ở miền Tây Quảng Ngãi. Dọc theo Trường Lũy cứ mỗi đoạn dài 500-1.000 m lại được xây một đồn lính sơn phòng vừa bảo vệ lại vừa điều hòa các mối quan hệ buôn bán giữa các tộc người với người Kinh.

Qua ba lần khai quật tại chân móng đồn trên đỉnh đèo Chim Hút, các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều mảnh gốm không tráng men hay những mảnh bằng đất nung vỡ ra từ chum chóe, nồi vại... Đó là những vật dụng của lính sơn phòng triều Nguyễn. Nhóm nghiên cứu tiến hành đào thám sát một số hố ở khu vực cạnh đồn của lính sơn phòng giáp Trường Lũy, phát hiện khá nhiều mảnh gốm từ những sản phẩm thương mại. Đó là những mảnh vỡ của bát đĩa có xuất xứ từ Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc) và gốm Bát Tràng, Hải Dương, bằng chứng cho sự lưu thông hàng hóa giữa người miền ngược với người miền xuôi. Người Kinh dưới xuôi mang hàng gốm, muối đi lên khu vực Trường Lũy để trao đổi với người dân tộc và ngược lại người miền núi lại mang chè, hồ tiêu, sa nhân, quế để trao đổi với người Kinh.

Vừa đánh giặc vừa ngăn lũ

Theo chỉ dẫn của người dân trong vùng, chúng tôi đến chợ phiên Tam Bảo - nơi giao lưu giữa người Kinh và người H’Rê cách Trường Lũy chừng vài trăm mét. Ông Đinh Nguyên 80 tuổi, dân tộc H’Rê ở xóm đèo Chim Hút, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, nguyên bộ đội trinh sát trong kháng chiến chống Mỹ, kể: “Hồi nhỏ, mình theo cha mẹ gùi củi xuống chợ phiên Tam Bảo bán rồi mua muối, rựa về. Ngày đó, nửa tháng mới có một phiên chợ”.

Một điều cũng khá lý thú là khi khai quật ở khu vực đồn sơn phòng, thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, người ta phát hiện được những vòng trang sức bằng đồng và chuỗi hạt cườm thủy tinh xưa. Điều này thêm phần khẳng định người H’Rê và người Việt không chỉ xây dựng Trường Lũy mà còn bỏ nhiều công sức để xây dựng đồn sơn phòng của triều đình.

Trường Lũy xưa, triều Nguyễn xây dựng mang tính chất phòng vệ. Nhưng ở miền Trung bão lũ khá nhiều, có những đoạn Trường Lũy là nơi chế ngự được sự cuồng nộ của thiên nhiên, bảo vệ xóm làng và hoa màu của người dân.

Sức hút kỳ lạ từ Trường Lũy ảnh 2

Đoạn Trường Lũy trên đỉnh đèo Chim Hút. Ngày xưa, nơi đây có đồn lính sơn phòng. Ảnh: VÕ QUÝ

Tại vùng đèo Bỏ Giáp, xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành), mặc dù lũy đắp bằng đất, nhưng cũng nhờ đó mà hằng năm vào mùa mưa lũ, người dân nhờ đó mà ngăn được lũ sông Vệ dâng cao.

Ông Nguyễn Lau, xã Hành Tín Đông kể: “Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng du kích địa phương đã lợi dụng Trường Lũy để đánh địch”. Còn ở phía giáp đèo Chim Hút, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, bây giờ vẫn còn những chiếc hầm của bộ đội Tiểu đoàn 20 tỉnh Quảng Ngãi đào để tránh bom pháo của địch. Dọc theo đoạn Trường Lũy ở khu vực Ba Trang, Ba Khâm (huyện Ba Tơ) nhóm nghiên cứu phát hiện có một con đường cổ chạy dọc theo Trường Lũy mà trong chiến tranh bộ đội đã tận dụng con đường để vận chuyển vũ khí, lương thực.

Bảo tồn Trường Lũy

Trường Lũy tồn tại theo thời gian và trong lòng nó chứa bao điều bí ẩn.

Việc nghiên cứu Trường Lũy chính thức được tiến hành từ năm 2005-2010 trên cơ sở Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Viễn đông bác cổ ở Hà Nội và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Những phát hiện về chiều dài, chất liệu của Trường Lũy và xác nhận đó là một hệ thống mở không những đem lại niềm vui cho những nhà nghiên cứu mà còn góp phần giải đáp những thắc mắc của người dân trong vùng. Quảng Ngãi kỳ vọng với di tích Trường Lũy, không chỉ là việc nghiên cứu mà còn tạo ra cơ hội về du lịch. Những cư dân sống dọc Trường Lũy sẽ có cơ hội về công ăn việc làm.

Tại một cuộc họp về việc bảo vệ Trường Lũy vào tháng 2-2011 do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, có những đại biểu ưu tư: Nhiều xóm làng mọc lên cạnh Trường Lũy và nhiều khu vực Trường Lũy đi qua giờ đã được người dân trồng keo lá tràm nên vấn đề bảo vệ Trường Lũy cần chọn một số đoạn để trùng tu, phục vụ cho nghiên cứu và tham quan du lịch. Nếu bảo vệ nguyên trạng Trường Lũy vừa phải tốn kinh phí khá lớn mà lại ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đại diện Bảo tàng Tổng hợp tỉnh có ý kiến rằng nên trùng tu bảo vệ một số đoạn di tích mà thôi.

Cuối cùng, Quảng Ngãi đã thống nhất giữ nguyên hiện trạng Trường Lũy trên cơ sở lấy Trường Lũy làm tâm, dọc theo hai bên lũy 500 m là khu vực di tích. Người dân vẫn cứ sản xuất bình thường nhưng tuyệt đối không phá hỏng di tích và không được xây dựng những công trình kiên cố trong khu vực này. Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức cho các địa phương ký cam kết bảo vệ di tích.

Ngày 10-3, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch văn hóa cấp quốc gia đối với công trình kiến trúc Trường Lũy tại Quảng Ngãi.

Theo cứ liệu lịch sử, công trình được xây vào khoảng đầu thế kỷ 19 dưới thời vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, các tài liệu khảo cổ học mới nhất cho thấy nó được hình thành cách đây hơn 400 năm. Từ năm 2005, các nhà nghiên cứu của Trường Viễn đông bác cổ Pháp và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu. Những kết quả thu được sau năm năm đã chỉ ra rằng, Trường Lũy không những là công trình quân sự (thế kỷ 17) mà còn là điểm giao lưu văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư thời bấy giờ.

Sức hút kỳ lạ từ Trường Lũy ảnh 3

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam) với bản đồ Trường Lũy ở Quảng Ngãi. Ảnh: VÕ QUÝ

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, nhận định: “Trường Lũy Quảng Ngãi-Bình Định là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, là công sức của người dân lao động. Di sản này không chỉ của riêng Quảng Ngãi hay Bình Định mà còn là của quốc gia, nhân loại”.

(Theo VNExpress)

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm