Triều Tiên đang đánh mất đồng minh?

Những động thái gây leo thang căng thẳng gần đây của Bình Nhưỡng đang đẩy quốc gia này vào tình thế bị cô lập bởi cả những quốc gia từng một thời “nhẹ tay” với họ. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và chính quyền Bình Nhưỡng đang đứng trước rủi ro đánh mất những đồng minh ít ỏi của mình.

Trung Quốc ra tay trừng phạt

Trung Quốc từ trước đến nay luôn được xem là đồng minh truyền thống của Triều Tiên. Các quyết định trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên thường vấp phải sự phản đối từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau lần thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng, Trung Quốc và Mỹ đã chủ động đàm phán về các biện pháp trừng phạt. Giới quan sát đánh giá Bình Nhưỡng đã làm “mất lòng” cường quốc láng giềng khi không báo trước về vụ thử hạt nhân ngày 1-6.

Với sự ủng hộ của Bắc Kinh, Hội đồng Bảo an đã thông qua một loạt lệnh cấm vận mới được đánh giá là “mạnh tay nhất hàng thập niên qua” đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc cũng đồng thời đóng vai trò chủ chốt thực thi các lệnh kiểm tra hàng hóa ra vào biên giới Triều Tiên, cấm mọi chuyến hàng mua bán vũ khí, khoáng sản và nhiên liệu phản lực.

Bốn ngân hàng quốc gia của Trung Quốc cũng đã bắt đầu “khóa” dòng tiền vào Triều Tiên bằng cách đóng băng nhiều tài khoản tiết kiệm và chuyển tiền của nước này. Theo trang North Korea News, nếu được thực thi đúng theo cam kết, nền kinh tế Triều Tiên sẽ bị giáng một đòn “chí mạng” vì Trung Quốc chiếm đến 77% tổng ngoại thương của nước này.

Hãng tin Yonhap cũng ghi nhận các dự án hợp tác kinh tế Trung Quốc - Triều Tiên đã “mất tích” trong nội dung kế hoạch kinh tế năm năm mà Bắc Kinh vừa công bố ngày 7-3 vừa qua. Trong phiên trình bày trước quốc hội Trung Quốc, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia nước này đã không nhắc đến các hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh biên giới phía bắc Liêu Ninh và Cát Lâm với Triều Tiên. Đây cũng có thể là dấu hiệu không hài lòng của Bắc Kinh đối với chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng thông báo sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên với người đồng cấp Sergei Lavrov phía Nga, cường quốc láng giềng khác cũng đang tỏ thái độ cứng rắn với Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẵn sàng giảm số thành viên đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ảnh: UPI

Bất chấp lệnh trừng phạt, ông Kim Jong-un vẫn ra lệnh sẵn sàng vũ khí hạt nhân. Ảnh: EPA

Nga sẽ chấp nhận can thiệp quân sự?

Cách đây chưa đầy một năm, mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên còn được đánh giá là đang bước qua một thời kỳ “nồng ấm” khi cùng tuyên bố xây dựng “Năm của bằng hữu”. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lo ngại viễn cảnh Nga và Triều Tiên thắt chặt quan hệ, giảm sức ép lên các nỗ lực phi hạt nhân hóa khu vực.

Vào thời điểm đó, bộ ngoại giao của Nga và Triều Tiên đều tự tin sẽ đưa mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa lên “một tầm cao mới”, theo tuyên bố của kênh truyền hình Triều Tiên KCNA.

Tuyên bố trên được đưa ra ngày 12-3-2015. Chưa đầy một năm sau, hôm 8-3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga đã chính thức cảnh cáo về các nguy cơ mà Triều Tiên đối mặt khi đe dọa “tấn công hạt nhân phủ đầu” để tiêu diệt Mỹ và Hàn Quốc.

“Chúng tôi xem việc công khai đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu một quốc gia khác là không thể chấp nhận được” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ. “Bình Nhưỡng cần ý thức rằng với tuyên bố này, Triều Tiên sẽ chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế và sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế cho các hoạt động quân sự chống lại Triều Tiên, thể theo quyền được tự vệ của các quốc gia trong Công ước LHQ”.

Lời cảnh báo mà Bộ Ngoại giao Nga đưa ra lần này khác xa với sự ủng hộ dè chừng của Moscow trước lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an từng đưa ra vào năm 2013, khi Triều Tiên công bố vụ thử hạt nhân thứ ba trong lịch sử nước này. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khi đó từng tuyên bố sẽ “phản đối các lệnh trừng phạt ảnh hưởng quan hệ kinh tế và thương mại bình thường giữa hai nước”.

Trả lời tờ The Guardian, chuyên gia về Triều Tiên Christopher Green cho rằng Moscow đang muốn cảnh báo “thái độ cực đoan gây chiến của Triều Tiên chỉ tạo cớ cho các đối thủ phát động chiến dịch quân sự chống lại nước này” một cách hợp pháp và nước Nga sẵn sàng chấp nhận kịch bản này.

Viễn cảnh bất ổn cho khu vực

Các chuyên gia cho rằng những phản ứng cứng rắn của Nga là không quá bất ngờ, đặc biệt khi các phát ngôn của Triều Tiên trong thời gian qua đang ngày càng cực đoan.

“Bình Nhưỡng cần phải ý thức rằng các lời đe dọa mà họ đang đưa ra sẽ phải chuốc lấy hậu quả. Các động thái và phát ngôn hiếu chiến sẽ tác động đến tình hình khu vực khiến bán đảo Triều Tiên mất cân bằng an ninh. Đây là sai lầm trong chiến lược an ninh quốc gia của Triều Tiên trong tương lai” - Daniel Pinkston, chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH Troy (Anh), trả lời tờ The Guardian. Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng đánh giá các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên đã đạt quy mô lớn “chưa từng có tiền lệ” và đang gây áp lực lớn lên an ninh của Triều Tiên.

Triều Tiên cũng đang đối mặt rủi ro đánh mất sự chủ động trong lộ trình đàm phán hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 8-3 cũng tuyên bố sẵn sàng giảm số thành viên tham gia đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo tờ Strait Times. Đây là một sự thay đổi lớn trong lập trường của Trung Quốc, vốn trước nay luôn yêu cầu quá trình đàm phán phải có đầy đủ sự tham gia của sáu bên.

Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đối thoại bốn hoặc năm bên, hay “bất kỳ sáng kiến nào khác”, để đưa vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Hồi tháng 1-2016, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye từng đề nghị bỏ Triều Tiên ra khỏi quá trình đàm phán. Do vậy, dù không chỉ rõ sẽ loại trừ quốc gia nào, tuyên bố của ông Vương Nghị vẫn được đánh giá là “nhắn nhủ” đến Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh được cho là sẽ tiếp tục gây sức ép lên nước láng giềng về vấn đề hạt nhân nhằm giảm căng thẳng, ngăn khả năng Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược THAAD vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, các quyết sách của Bình Nhưỡng trong thời gian tới dường như chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Bình Nhưỡng mới đây vẫn tiếp tục cho bắn tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản và tuyên bố đã đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân như một cách thách thức các lệnh trừng phạt. Đảng Lao động Triều Tiên đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng lần thứ 7 - đại hội đầu tiên sau gần 38 năm qua. Trước những áp lực phải thể hiện sức mạnh quốc gia, ông Kim Jong-un khó có thể lùi bước trước những áp lực quốc tế và tỏ ra nhân nhượng.

Giơ cao đánh khẽ?

Trang North Korea News cho rằng Trung Quốc sẽ không dám trừng phạt kinh tế Triều Tiên quá mạnh tay vì lo sợ rủi ro làm chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Các địa phương và doanh nghiệp của Trung Quốc cũng có những khoản đầu tư lớn cho quốc gia láng giềng.

Nhiều chuyên gia cũng không cho rằng Trung Quốc có đủ năng lực để giám sát mọi chuyến hàng ra vào Triều Tiên thông qua biên giới nước này. “Đối với Bắc Kinh, mục đích của các lệnh trừng phạt không nhằm thay đổi chế độ tại Triều Tiên” - Paul Park và Katherine Moon tại Viện Nghiên cứu Brooking cho biết.

“Các lệnh trừng phạt này không đủ mạnh để tạo nên biến động bên trong Triều Tiên, nếu có thì Trung Quốc và Nga đã không chấp thuận”. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin cho biết Nga đã bảo vệ lợi ích kinh tế của mình từ những tác động của lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên.

Lee Chang-joo, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Phúc Đán (Thượng Hải), cho rằng những “lạnh nhạt” trong quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc cũng chỉ là nhất thời: “Nếu dừng hợp tác kinh tế với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy mạnh hợp tác với Nga. Một khi tình hình có sự tiến triển, Trung Quốc sớm muộn cũng lại khôi phục kinh tế với người láng giềng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm