Tại tỉnh Khánh Hòa, hiện có hai nhà máy đường với công suất rất lớn nhưng người dân từng nấu đường bằng lò thủ công vẫn bồi hồi nhớ về những chiếc lò nấu đường xưa…
Lò nấu đường thủ công ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam. Ảnh: CÔNG THI
Lò nấu đường đã có thời trải dài khắp Việt Nam hầu như tỉnh, thành nào cũng sở hữu những lò đường thủ công nho nhỏ. Mỗi vùng lại có một kiểu nấu đường riêng nên thành phẩm đường của chúng ta cực kỳ đa dạng.
Những lò đường thủ công nhỏ gọn, thành phẩm làm ra dễ vận chuyển, các chợ quê truyền thống vẫn còn lưu giữ một số loại đường cổ của địa phương như đường nâu đen dưới dạng mật, sệt, bánh, hạt cát nhỏ, đường phèn, đường tán, đường phổi...
Ngay từ thế kỷ 17-18, thương cảng Hội An đã là nơi xuất đường đi các nước lân cận.
Lò nấu đường ở thôn Vĩnh Nam, xã Cam An Nam. Ảnh: CÔNG THI
Người dân nấu đường thủ công xưa tự hào rằng loại đường thô lưu giữ nhiều chất khoáng và vitamin, hương thơm quyến rũ, vị ngọt thanh, đậm đà.
Quảng Ngãi là nơi tập trung nhiều lò đường thủ công với kỹ thuật điêu luyện cung cấp đường xuất đi nước ngoài.
Lò nấu đường ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam. Ảnh: CÔNG THI
Xuôi vào Nam thì Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... là những địa phương có nhiều vùng trồng mía và kèm theo đó là lò đường thủ công.
Nhà máy đường Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ảnh: CÔNG THI
Tại Khánh Hòa, hiện nay du khách dễ bắt gặp nhiều lò đường thủ công được xây dựng hàng chục năm qua, nay vẫn còn lại khá nhiều “phế tích”.
Chúng tôi về thăm những vùng quê thâm canh cây mía chủ đạo một thời ở Cam Lâm, Cam Ranh… thấy những “phế tích” một thời làm ra nhiều sản phẩm đường thơm ngọt, nay vẫn còn đó và khá chắc chắn. Nhiều người đi qua dừng chân chụp vài tấm ảnh lưu niệm...
Anh Nguyễn Tú Anh, nhà ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm cho biết lò đường thủ công cạnh nhà là của hộ gia đình ông Hòa. Lò đường được xây dựng gần 30 năm qua và chỉ mới ngừng hoạt động khoảng ba năm nay.
Nguyên nhân thì có nhiều, cơ bản nhất là do địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm đường thủ công rất vất vả mà không có lãi…
Nhà máy đường Cam Lâm. Ảnh: CÔNG THI
Tại Khánh Hòa, giờ thì nguyên liệu mía được tập trung hết về hai nhà máy có công suất cực lớn như nhà máy đường ở huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa…
Tuy nhiên, những người nông dân trồng mía, làm đường thủ công xưa nay vẫn tự hào cho rằng: Đường công nghiệp hạt trắng lóng lánh như thủy tinh, giá đường công nghiệp quá rẻ, nên người làm đường thủ công cạnh tranh không lại. Rồi đường nước ngoài tràn vào đè bẹp luôn đường công nghiệp trong nước với giá còn rẻ hơn…
Vì vậy người làm đường thủ công thua trắng trên toàn mặt trận, nông dân bỏ mía ra phố làm công, lò đường tắt lửa… trở thành phế tích “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Lò nấu đường ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam. Ảnh: CÔNG THI
Giờ đây, những người từng làm nghề nấu đường thủ công vẫn nhớ nghề và họ thường ra ngắm những “tòa tháp đơn” xây bằng gạch vẫn nguyên màu đỏ.
Lò nấu đường vẫn sừng sững một thời nhả khói trắng mà trong lòng không khỏi bồi hồi...