Sáng hôm sau, tôi xin được giấy giới thiệu ra chiến tuyến. Có thể nói đó là một đặc ân mà Habibullah dành riêng cho tôi bởi còn khá nhiều nhà báo thuộc diện các “đại gia báo chí quốc tế” đã “xếp hàng” nhiều ngày nay mà chưa được. Tôi hân hoan xếp ba lô, máy tính và hai can nước lên xe. Xe nổ máy, hướng về nơi thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng ầm ì sau dãy núi.
Các nhà báo quốc tế trên đỉnh Dashti Kala
Đường xóc khủng khiếp. Hôm trước, từ bến phà cửa khẩu về TP Khojabakhauddin không có điều kiện nhìn đường sá, hôm nay tôi mới thấy hết cái khủng khiếp của những con đường Afghanistan. Nó đầy những ổ voi chứ không phải ổ gà, thỉnh thoảng lại bị cắt ngang bởi một con lạch sâu hoắm. Tôi bảo cậu phiên dịch và lái xe: “Sau khi kết thúc chiến tranh, nên tổ chức giải đua xe vượt chướng ngại vật quốc tế ở Afghanistan. Đỡ phải tạo chướng ngại vật giả”. Cậu ta bảo: “Còn hơn ở gần Kabul có đường rải nhựa mà không ai dám đi vì toàn mìn là mìn”.
Xe không có đồng hồ đo tốc độ nên tôi không biết nó chạy với vận tốc bao nhiêu, nhưng chắc chắn là chỉ nhanh hơn người đi bộ một chút. Hai bên đường toàn đất bỏ hoang, thỉnh thoảng mới thấy một doanh trại hay một trại tị nạn. Độ năm tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi tới thị trấn Dashti-kala, thị trấn tiền đồn trên chiến tuyến.
Xe đỗ lại trước một trạm cung cấp xăng quân dụng. Cậu lái xe và phiên dịch nhảy xuống, chạy đi tìm viên chỉ huy quân sự ở đây. Tôi ngồi lại trong xe, nhìn những xe chở lính dừng lại tranh nhau từng can xăng, lòng tràn ngập cảm giác chiến trận. Tôi mở máy ảnh định chụp một pô. Cảnh vệ lập tức chạy tới ra hiệu không được chụp ảnh. Té ra đây là một “trọng điểm quân sự” nơi chiến tuyến, không cho chụp ảnh. Một lúc sau thì cậu lái xe và phiên dịch ra. Người cảnh vệ lúc nãy nói gì đó với họ rất xẵng rồi cho đi, chắc chắn có liên quan đến việc tôi định chụp ảnh lúc nãy.
Trước kia, Dashti-kala là một thị trấn sầm uất, nay gần như bỏ hoang. Trang phục lính nhiều hơn trang phục thường dân. Cậu phiên dịch tiết lộ: Thường dân ở đây cũng là lính hết. Tôi hỏi: “Họ mặc thường phục để ngụy trang à?”. “Không. Những ai chưa được phát quân phục thì vẫn mặc thường phục”. Tôi tự trách mình dốt quá. Có thế mà cũng không đoán ra.
Máu đổ trên tiền đồn
Vết pháo kích của Taliban
Cuối cùng thì một buổi chiều trên chốt tiền tiêu của Liên minh Phương Bắc chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh đổ máu hết sức hiếm hoi trong cuộc chiến tranh này.
Đám nhà báo chúng tôi đang loay hoay quan sát phía bên kia thung lũng xem có động tĩnh gì không thì bỗng nghe tiếng “oạch” một cái, tiếp theo là tiếng lên đạn “roạt roạt”. Quay lại, một chú lính phương Bắc trẻ măng đang dí mũi súng vào ngực một chú lính già nằm quay lơ trên mặt đất, đầu bê bết máu, súng văng một bên.
“Trúng đạn Taliban rồi” - cô phóng viên người Nga kêu lên. Các phóng viên đổ xô lại chụp ảnh nhưng dường như chẳng ai chụp được vì một tiểu đội lính Liên minh phương Bắc đã lập tức quây kín hiện trường. Họ không muốn chúng tôi chụp ảnh cảnh đó.
Té ra chú lính già nhân lúc vắng người, mò vào nhà bếp bốc trộm cơm nguội. Chú lính trẻ làm nhiệm vụ canh nhà bếp phát hiện được, táng ngay cho một báng súng rồi lên đạn, dí nòng súng vào ngực “con chuột bất đắc dĩ” kia.
Sự cố khiến chúng tôi phải quan tâm xem các chiến binh nơi tiền đồn này được cấp khẩu phần ra sao. Té ra họ chỉ được hai chiếc bánh mì nướng và 4 lít nước mỗi ngày. Ăn như thế thì sức đâu mà vác súng leo lên đỉnh núi.
“Họ ăn cả thức ăn thừa chúng mình bỏ lại đây đấy" - một phóng viên người Mỹ nói. - Ý tôi muốn nói là họ vét cả các vỏ đồ hộp và uống nốt những lon coca còn thừa…”. Thật may là tôi không phát hiện ra điều đó. Nếu có, theo tôi, có thể mấy chú lính trẻ chưa biết đồ hộp và lon coca là gì nên tò mò mà thôi.
Kỳ cuối: Thoát chết vì… thiếu tiền