Nhà báo Nguyễn Sơn:

'Vào chiến trường Afghanistan' - Kỳ 1: 'Nó biết tiếng Nga thì cho qua lẹ đi'

Nguyễn Sơn là nhà báo đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào được lãnh thổ Afghanistan. Anh đã có loạt bài ký sự chiến trường "Vào chiến trường Afghanistan", tường thuật nóng hổi trên báo Người Lao Động, sau được in thành sách do NXB Văn nghệ ấn hành năm 2008 gây tiếng vang lớn cách đây 15 năm. PLO xin lược trích ký sự này.

Nhà báo Nguyễn Sơn với Thượng tướng Hiệu trưởng Trường võ bị LMPB.

Moskva

Máy bay của hãng hàng không Aeroflot hạ cánh xuống sân bay Seremetievo-2 vào lúc 23 giờ đêm (giờ Moskva), chậm hơn lịch trình dự kiến tới ba giờ đồng hồ. Đó là trục trặc đầu tiên trên đường ra chiến tuyến của tôi, báo hiệu một cuộc hành trình không mấy dễ dàng.

Hành khách, tuyệt đại đa số là người Việt Nam sang làm ăn buôn bán ở Nga, ùn lại trước các cửa biên phòng. Tốc độ kiểm tra giấy tờ chậm một cách "dã man": Cứ 15 phút mới qua được một người. Lúc đầu biên phòng chỉ mở ba cửa, sau đó phải mở thêm bốn cửa nữa mà tình hình cũng chẳng khả quan hơn.

Thực ra việc biên phòng Nga kiểm tra nghiêm ngặt như vậy không hề liên quan gì đến cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11-9 và chiến dịch trả đũa của Mỹ nhằm vào Afghanistan cả.

Đám "cò sân bay" (những người Việt Nam làm ăn bằng cách giúp đỡ các đồng hương của mình khi gặp khó khăn trong việc ra vào nước Nga và "vớt" hàng đánh lén từ Việt Nam sang) cho hay:

Số người Việt Nam sang Nga trong thời kỳ chuẩn bị cho vụ tết này tăng đột biến khiến biên phòng bị chê hoài. Kết quả là họ phải làm một cái gì đó để chứng tỏ năng lực của mình.

Thẻ hoạt động báo chí tạm thời do chính quyền Tadjikistan cấp. Vì Liên minh phương Bắc không có điều kiện thẩm định trước cấp thẻ nên họ nhờ Tadjikistan thẩm định giúp. Phải có thẻ này mới được cấp giấy giới thiệu tư cách phóng viên chiến trường nói trên. (Ảnh do nhà báo Nguyễn Sơn cung cấp)

Chuyến bay Hà Nội - Moskva lần trước, biên phòng Nga đã gạt lại tới 30 người, buộc mua vé quay lại Việt Nam ngay lập tức vì các công ty cấp giấy mời cho họ vào Nga đã ngưng hoạt động từ lâu rồi.

Biên phòng Nga chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: Công ty cấp giấy mời cho những hành khách sắp vào Nga có còn tồn tại hay không. Đến lượt tôi, cô sĩ quan biên phòng xướng to: "Press. Korrespondent".

Cô chỉ huy vội vàng giở cuốn sổ to đùng ghi tên các công ty có chức năng mời lao động nước ngoài vào Nga, nói: "Không có công ty nào thế cả". Cô biên phòng gắt: "Mày ngu thế. Không phải công ty. Nó là phóng viên. Biết tiếng Nga". Cô chỉ huy phản lại: "Mày ngu thì có. Nó biết tiếng Nga thì cho qua lẹ đi".

Thế là tôi qua khỏi biên phòng. Nhìn đồng hồ đã hơn 3 giờ sáng. Chào Moskva.

Nhà báo Nguyễn Sơn với Thị trưởng Khoja Bakhauddin và các con trai trong hầm trú ẩn.

Giấy tờ

Cảm giác đầu tiên khi trở lại Moskva, sau gần hai năm về Việt Nam, là thành phố đang ở trong tình trạng cực kỳ căng thẳng. Tôi đã từng ở Moskva gần hai chục năm nhưng chưa bao giờ thấy TP trong tình trạng căng thẳng như bây giờ. Trên mọi góc phố, mọi bến tàu điện ngầm, mọi công sở, mọi tòa nhà cao tầng đều có công an và bộ đội đứng gác.

Anh Grant Kosian, phóng viên nhật báo Kommersant, cho biết: Suốt từ ngày 11-9 tới nay, toàn bộ lực lượng công an Moskva đã được huy động đề phòng khủng bố. 

Còn sau khi Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan thì chính quyền Moskva phải mượn thêm quân đội vào việc tuần tra cảnh giới những trọng điểm nội thành.

Công việc trước tiên ở Moskva của tôi là đến sứ quán Afghanistan. Khu nhà được bảo vệ hơn mức cần thiết. 

Ngoài cổng, ba cảnh sát Nga đứng gác, cộng thêm một cảnh sát trong trạm là bốn. Sau hàng loạt các cửa sắt và chấn song sắt là hai nhân viên bảo vệ người Afghanistan.

Họ yêu cầu tôi bỏ tất cả chìa khóa, tiền bạc, máy ảnh và cởi cả thắt lưng đặt lên bàn, rồi rà đi rà lại xem có còn mảnh sắt nào trong người không. Sau khi tin tưởng rằng tôi không còn bất cứ thứ gì có thể sử dụng làm vũ khí, họ mới cho tôi vào trong.

Nhà báo Nguyễn Sơn trên chiếc xe tăng hỏng ở đỉnh Dashti Kala.

Chạy các cửa

Tôi chán nản ra cổng. Tay bảo vệ đi theo, làm hiệu cho tôi dừng lại. Tôi thổ lộ khó khăn của mình. Anh ta bảo: "Cậu cứ ra thẳng sân bay. Ngoài đó lúc nào cũng có nhân viên lãnh sự trực. Có khi anh ta giúp cũng nên".

Tôi lập tức lên đường ra sân bay Demodedovo. Đến nơi mới vỡ ra rằng không hề có nhân viên lãnh sự nào hết, mà vé bay đi Dushanbe cũng chẳng có luôn.

Mâu thuẫn về quyết định cho Mỹ mượn hay không cho mượn đường trừng phạt Afghanistan đã đẩy quan hệ giữa Tajikistan và Uzbekistan lên đến đỉnh điểm, khiến Uzbekistan cắt không cho xe lửa của Tajikistan đi qua lãnh thổ của mình. Mà từ Dushanbe ra với thế giới bên ngoài chỉ có một đường xe lửa duy nhất. Kết quả là tất cả hành khách Moskva - Dushanbe phải chen nhau đi máy bay. Vé bay trong năm 2001 đã bán hết. Giá vé bán trao tay cao hơn giá thực 2-3 lần.

Tôi tìm gặp ông đại diện trưởng của hãng hàng không Tajikistan Airlines. Ông ta mách nước: Phải mua vé giá cao (mà chính ông cũng có bán). Nghe cái giá của ông ta mà tôi rụng rời: Người nước ngoài đã phải mua giá gấp đôi, ông ta lại nhân đôi lên nữa. Mà thực ra thì tôi cũng đã có thị thực đi Tajikistan đâu.

Tôi trở về Moskva, lục lọi tất cả mối quan hệ nào có thể sử dụng. Chồng của một cô bạn cùng lớp hồi đại học chỉ cho tôi ba phương án: Bay quá cảnh Tashkent (Uzbekistan), quá cảnh Bishkek (Kyrgydia) hoặc qua Samara (Nga). Phương án Samara có vẻ đơn giản hơn cả. Sau khi anh ta gọi điện thoại hỏi được chắc chắn ở sân bay Samara có nhân viên lãnh sự Tajikistan, tôi liền khoác ba lô lên tàu.

Trụ sở Bộ Ngoại giao của Liên minh phương Bắc tại Khoja Bakhauddin.

Sáng hôm sau, tôi đã có mặt ở Samara. Khi tìm được nhân viên lãnh sự Tajikistan cũng là lúc anh ta đang bị một nhóm ba phóng viên người Bulgaria mới vừa từ Dushanbe về bao vây chửi rủa. Té ra anh chàng lãnh sự này khẳng định với họ rằng đã có thị thực vào Nga thì cứ thế mà vào Tajikistan, bởi người Nga và người Tajikistan qua lại với nhau được miễn thị thực mà.

Không ngờ khi nhóm phóng viên Bulgaria này tới Dushanbe, họ bị biên phòng bắt lại, giam cho một ngày rồi đóng dấu trục xuất trở lại Nga. Nhân viên lãnh sự rất bối rối. Tôi hỏi xem anh ta có thể cấp thị thực được cho tôi không.

Anh ta nói rằng chỉ trưởng phòng lãnh sự tại Moskva mới có quyền cấp thị thực, còn việc của anh ta ở đây chỉ là giúp các công nhân xây dựng người Tajikistan đăng ký tạm trú và kết hôn mà thôi. Tôi hất ba lô lên vai, ra thẳng ga xe lửa và nhảy chuyến tàu đầu tiên về lại Moskva.

Kỳ 2: Ngồi trúng chỗ người chết

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm