(PLO)- Sáng 10-7, sau khi chúng tôi đăng bản tin Khi vịt chặn đầu xe, cản trở giao thông, nhiều bạn đọc gửi câu hỏi thắc mắc liệu với hành vi này thì chủ của những con vịt có vô can?
Hằng ngày, vào giờ cao điểm 6 giờ sáng và 17 giờ trên đường tránh Trới - Vũ Oai (Quảng Ninh) luôn bị ùn tắc giao thông hàng giờ liền vì các hộ dân trong khu vực này đuổi vịt hoặc trâu ra đồng với số lượng quá lớn, gia súc lấn hết phần đường xe cơ giới nên phương tiện giao thông trên đoạn đường này gần như phải dừng hẳn lại.
Người dân lùa vịt ra đường tránh Trới – Vũ Oai, Quảng Ninh gây ùn tắc giao thông. ẢNH ĐÀO TRANG.
Đối với hành vi người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ, pháp luật có chế tài như thế nào?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo Điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ không được thả rông súc vật trên đường bộ.
Trường hợp dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ thì thì người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ thì phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường (Điều Điều 34 Luật giao thông đường bộ).
Trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông thì bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm.
Trường hợp chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự.
Đồng thời, người dẫn dắt súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật Về trách nhiệm dân sự được xử lý theo Điều 606 BLDS 2015, cụ thể là:
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.