Sau giông bão là nắng lên, mọi sự được bắt đầu lại. Từ những con đường đang được sửa chữa vá đắp, cành cây gãy được dọn dẹp để thông suốt đường đi.
Tôi chạy xe dọc từ ngã ba Túy Loan lên đường 14B hướng đi lên Đại Lộc. Tới đây tôi chợt nhớ tên gọi ngã ba Túy Loan xem chừng phải đổi lại cho phù hợp với thời điểm hôm nay.
Tác giả đứng trên cầu Giao Thủy ngày đưa cô cháu gái quê Tuý Loan về làm dâu Đại Lộc. Ảnh: LƯU BÌNH
Ngã ba Túy Loan không còn là ngã ba nữa mà nó đã là ngã năm hay ngã sáu, ngã bảy hay còn là đường lên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi của đầu cầu Đà Nẵng. Dọc quốc lộ 14 B tôi lên hướng Đại Lộc, qua thị trấn Ái Nghĩa, rồi qua cầu Giao Thuỷ.
Những cái tên gọi thắm tình yêu thương, đã Ái còn Nghĩa nữa thì sự gắn kết bền chặt nghe còn keo sơn.
Cầu Giao Thuỷ, cây cầu ngoài cái sự đặc biệt nối thông thương bốn huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn còn là nơi hợp giao của hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn .
Đứng trên cầu Giao Thủy, cây cầu ngoài cái sự đặc biệt nối thông thương bốn huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn còn là nơi hợp giao của hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn. Đây cũng là điểm kết thúc dòng Vu Gia để chỉ mỗi dòng Thu Bồn được mang trọng trách vận chuyển dòng sông ra biển cả bằng đường Cửa Đại - Hội An.
Thị trấn Ái Nghĩa xinh đẹp nằm bên thượng lưu dòng nước Thu Bồn - Giao Thuỷ là vậy, nên năm nào cũng được rửa nước. Người thị trấn vừa cười vừa trả lời ở đây không có nước lụt vào nhà mới lạ, năm nào cũng vào thăm một trận rồi ra.
Một người chị người địa phương than thở: "Năm nay lạ kỳ không biết có còn vô nữa không Ông ơi, chứ dọn miết nước lụt mệt mỏi lắm. Nước vô đang dọn đã nghe sau lưng nước sắp lên, sắp đón trận mưa lịch sử, rồi sau bão là mưa nữa...".
Tuy than thở rứa nhưng vẫn thấy chị cười tươi nghĩa là chỉ là cách kể chuyện thị trấn mình cho khách phố thị, một cách giới thiệu đặc sản của nơi mình ở.
Chị không chỉ khéo trong lát thịt heo xắt vừa dày, vừa dài và vị thì ngọt xợt mời khách mà còn giới thiệu thêm cái món nước lụt ngâm chân mà khách xa ít biết.
Tôi nhớ mới đây năm nào xe đi vào thị trấn khi chưa xong cây cầu, nước lụt đưa bùn non lên đường nhựa, xe sa lầy, mất lái. Xe sau nhìn xe trước vẽ đường ngoằn ngoèo như giun chạy trên đường mà hốt hoảng không biết chọn cho mình đường nào.
Ấy vậy mà hôm nay, đường vào thị trấn thênh thang, phố xá mới thật đẹp và đô hội mặc có lúc nước lên cũng ngâm chân như chị than thở.
Món bánh tráng thịt heo thì cả Đà Nẵng, Quảng Nam đã được tiếng thơm trong cả nước.
Là người xứ Quảng vậy chứ nhiều khi nghe bánh tráng thịt heo được xếp vào hàng đặc sản tôi cũng thấy... mắc cỡ. Mắc cỡ vì ý nghĩ sao chỉ có thịt heo luộc lên cuốn rau sống mắm nêm mà được xếp hàng "đặc sản" thì có ưu ái quá không cho xứ tôi.
Rồi mỗi lần đến thị trấn Ái Nghĩa này nhìn lát thịt heo chị xắt, nhìn cái dĩa thịt heo chị mời thì mới thấy chị đã gieo niềm tin cho tôi, cho người đất Quảng với quê hương sỏi đá khô cằn.
Món ăn thì thô kệch mà chân chất nghĩa tình, nghĩa tình bởi cái sự vun đầy của đĩa thịt không tính toán so đo; kết dính đậm đặc với mùi vị mắm cái dễ mấy ai quên.
Vì thế mỗi lần về đây là ghé quán như để khẳng định thêm cái thương hiệu bánh tráng thịt heo là có cơ sở.
Lát thịt cắt dày dặn, rồi dài bằng gang tay, xếp đều chằn chặn trên đĩa thật bắt mắt, nghe nói thịt heo được đặt heo nuôi tại nhà với thức ăn là cám gạo được nấu chín với rau, không pha bột,...
Món bánh tráng thịt heo - Món ăn không thể thiếu của người dân xứ Quảng.
Mắm cái thì khỏi bàn, mắm cá nục với màu đỏ thắm mặn mà đặc trưng. Thêm cái bánh tráng Đại Lộc cũng nổi tiếng dẻo ngon. Chỉ nhúng nước lạnh để xúm chùm cả tập mà bánh tráng không dính, bánh mềm mà không dai.
Rồi thì ngọn rau, lát chuối chát xắt mỏng, cuộn một gói thật khéo vừa cuốn trong tay, chấm chút mắm cái, cắn thêm trái ớt a riêu từ núi Đông Giang xuôi về thì còn chi bằng nữa. Ôi chao!
(PLO)- Lớp nhân được hoà trong bột, bánh xèo không pha màu vàng, giữ nguyên màu trắng đục của hạt gạo quê, bánh được đổ mềm, mỏng, thanh tao, ăn kèm với lá lốt non và chấm thứ nước mắm rin có kèm ớt xắt.