Vị cha đạo của cựu tù Côn Đảo

Chiều Chủ nhật giữa tháng cuối cùng của năm, trong mùa Vọng Giáng sinh, một nhóm những cựu tù nhân chính trị Côn Đảo đã ghé thăm linh mục Alphonsus Phạm Gia Thụy - người mà họ giản dị gọi là “ông cha đạo” của tù nhân Côn Đảo. Mấy mươi năm trước, ông đã tình nguyện đến Côn Đảo để yêu cầu một chế độ nhân bản cho người lao tù.

Đánh cá phụ thêm dinh dưỡng cho tù nhân

Buổi gặp là những câu thăm hỏi nhau, món quà quê trao nhau của những người tuổi đã về chiều. “Tôi bây giờ dù làm gì vẫn không thể quên Côn Đảo. Khi nghe tin anh em đến thăm tôi cứ hồi hộp không biết anh em đến đông không, sức khỏe mọi người thế nào… Tôi vẫn tạ ơn ơn trên đã ban cho chúng ta tâm hồn yêu mến nhau, yêu mến anh em thật sự” - linh mục Thụy xúc động nói khi gặp lại các cựu tù.

Ngày đến Côn Đảo, linh mục Thụy là một người trẻ vừa mới lãnh nhận tác vụ linh mục được bảy năm. “Lúc đó họ đạo ở Côn Đảo đã có một linh mục khác trông coi nhưng sau đó ở Côn Đảo buồn quá nên vị ấy đã bỏ đi. Sau đó, giám mục Paulus Nguyễn Văn Bình đã có kêu gọi một linh mục tình nguyện ra Côn Đảo giúp cho người tù. Chúng tôi muốn bảo vệ sinh mạng của anh em, nhất là sinh mạng của các anh em Mặt trận dân tộc giải phóng… để tránh bị thủ tiêu” - linh mục Thụy nhớ lại.

Linh mục Thụy đến Côn Đảo cũng còn trong vai trò là ủy viên của Ủy ban Vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam (ủy ban này do linh mục Stephanos Chân Tín và dân biểu Nguyễn Văn Trung thành lập - PV) để yêu cầu một chế độ nhân bản cho người tù. Khi ra Côn Đảo, linh mục Thụy không được nhận một nguồn lương nào mà ông hoàn toàn phải tự túc kinh tế.

Ông đã chọn đánh cá làm nghề chính để trang trải đời sống hằng ngày của ông cũng như kiếm thêm chút dư dả lo cho anh em tù nhân. Ban đầu ông học đánh cá với người dân ở Côn Đảo, đi câu chung nhưng sau đó họ đạo tự làm được một chiếc ghe nhỏ để đi đánh bắt cá gửi các bếp nấu cho các anh em trong tù thêm dinh dưỡng.

Cựu tù Bùi Văn Toản tặng gói trà xanh của quê đến linh mục Phạm Gia Thụy (phải) trong buổi thăm linh mục Thụy vào chiều 13-12 tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Từ chối di tản

Linh mục Thụy cho biết trước khi ông ra với họ đạo Côn Đảo thì ngay trong nhà nguyện ở Côn Đảo cũng chia làm hai khu. “Mỗi khi thánh lễ thì quý chức một khu riêng và tù một khu riêng. Nhưng tôi đã thay đổi bằng việc xáo trộn các khu này cùng nhau, đã vào nhà thờ thì ai muốn ngồi đâu cứ ngồi. Đã vào nhà Chúa sao lại còn phân biệt làm chi, ở nhà Chúa thì ai cũng giống nhau” - linh mục Thụy kể.

Ông đóng vai trò là người trung gian để giúp đỡ tù nhân bằng cách mang giúp quà bánh của người thân cho tù nhân, khuyến khích hòa hợp giữa những người lính và người tù, làm lễ cho những người qua đời… Trong suốt thời gian ở Côn Đảo, ông trở thành người bạn của cả hai chiến tuyến, sức khỏe của ông cùng lúc được bác sĩ của Mặt trận dân tộc giải phóng và bác sĩ của chính quyền miền Nam lo cho.

Những ngày cuối tháng 4-1975, khi tin thống nhất đất nước lan ra đến Côn Đảo bằng những chuyến tàu, máy bay tập trung ở Côn Đảo để tiếp tục di tản ra hạm đội 7 của Mỹ, linh mục Thụy vẫn ở lại. “Ngày 29-4-1975, máy bay dồn ra Côn Đảo để di tản rất nhiều. Một máy bay Mỹ đã đón tôi nhưng tôi đã không đi. Vì tôi là linh mục, tôi phải lo cho họ đạo ở đây và vì tôi là người Việt Nam tôi phải ở lại quê hương tôi” - linh mục Thụy bồi hồi nhớ lại.

Ngay sau lời từ chối di tản, đêm 30-4-1975 trong buổi họp thành lập chính quyền lâm thời tại Côn Đảo, một ủy ban hòa hợp hòa giải dân tộc tỉnh Côn Sơn gồm 15 người được thành lập, trong đó linh mục Phạm Gia Thụy đã nhận vai trò làm chủ tịch để làm người đứng giữa kéo gần khoảng cách giữa hai bên.

Đến năm 1976 thì ông trở về lại Sài Gòn. Từ sau đó, ông chủ yếu giảng dạy tại các tỉnh dòng. Giờ đã ở tuổi 82 nhưng 4 giờ sáng hằng ngày linh mục Thụy vẫn tiếp tục đi đến các nhà dòng quanh TP.HCM làm lễ sáng và dạy học cho các thế hệ chủng sinh tiếp theo.

Tù nhân không thể tự phá gông xiềng

Tù nhân Côn Đảo không thể tự phá gông xiềng để giải thoát cho mình nếu không có sự giúp đỡ của những người như cha Thụy. Sự thật lịch sử đến từ nhiều phía, nhiều yếu tố mới có thành công. Đó là tâm hồn những người Việt yêu mến nhau, yêu nước để cùng tiếp quản Côn Đảo không có đổ máu trong ngày giải phóng.

Ông TRỊNH VĂN LÂU (Tư Cẩn), Bí thư Đảng ủy lâm thời Côn Đảo ngày giải phóng

Tôi là người trực tiếp đề nghị trại Ban liên lạc cựu tù I-VI B làm hồ sơ tặng bằng khen cho linh mục Phạm Gia Thụy và bốn người khác thuộc chế độ cũ. Dịp 30-4 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký quyết định trao bằng khen cho cả năm người này vì những thành tích giúp tù chính trị. Linh mục Thụy vốn là chỗ dựa tinh thần với người dân, công chức chế độ cũ, ông ở lại đã giúp dân ổn định tình hình. Ông có tiếng nói với binh lính, sĩ quan, cảnh sát chế độ cũ trên đảo và họ nghe theo. Ông cũng là người đến các trại thông tin tình hình Sài Gòn giải phóng cho các anh em tù chính trị.

Trung tướng CHÂU VĂN MẪN,
nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an

__________________________________

Linh mục Alphonsus Phạm Gia Thụy sinh năm 1934 tại Hà Nam. 12 tuổi ông bắt đầu vào nhà dòng để bắt đầu đời sống tu tập tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội rồi Đà Lạt. Ông được lãnh nhận tác vụ linh mục vào năm 1962 tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế ở Đà Lạt. Trong vai trò của linh mục trẻ ông tham gia giảng dạy tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế trong bốn năm, sau đó ông quay trở lại Sài Gòn và năm 1969 ông tình nguyện đến Côn Đảo để trông coi họ đạo tại Côn Đảo. Ông tiếp tục tình nguyện ở lại Côn Đảo sau ngày 30-4-1975 cho đến năm 1976 ông mới trở về lại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tiếp tục giảng dạy tại các nhà dòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm