Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo này là quy định: Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử này sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Còn đối với tổ chức, tổng hạn mức giao dịch tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Không nên “khóa ví tiền” người tiêu dùng
Nhiều ý kiến băn khoăn về hạn mức giao dịch ví điện tử quy định tại dự thảo trên. Đại diện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, doanh nghiệp đã liên kết với bốn đơn vị thu hộ và bốn đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử cho rằng hạn mức 20 triệu đồng/tháng như dự thảo là rất hạn chế đối với việc thanh toán mua vé tàu hỏa cho một nhóm người.
“Việc chấp nhận cơ chế mở trong thanh toán điện tử sẽ giúp tăng thêm nhiều tiện ích dịch vụ, khuyến khích người dùng sử dụng nhiều hơn” - vị đại diện nêu quan điểm.
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo 39/2014 vừa tổ chức, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, nhìn nhận nên có hạn mức trong giao dịch thanh toán qua ví điện tử nhằm tránh rủi ro về rửa tiền, đánh bạc. Song cần xem xét nâng hạn mức mỗi tháng lên 150 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng.
Bởi với hạn mức 20 triệu đồng/ví/ngày và 100 triệu đồng/tháng như quy định tại dự thảo là tương đối thấp so với mặt bằng bình quân thu nhập hiện nay của người dân cũng như với nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu về tiêu dùng của khách hàng. “Nếu để hạn mức thấp như trong dự thảo có thể làm kìm hãm sức tiêu dùng của nền kinh tế” - ông Lực nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng thanh toán điện tử đang là điểm nghẽn, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Hạn mức 100 triệu đồng/tháng như dự thảo có thể thỏa đáng ở thời điểm hiện nay nhưng không phù hợp trong thời gian tới.
“Thị trường thay đổi rất nhanh. Một gia đình đi du lịch mua bốn suất đã là 120 triệu đồng, do vậy nếu đặt hạn mức thấp sẽ gây cản trở cho thanh toán điện tử. Mức sống ngày nay khá cao và người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho những giá trị lớn. Do đó nên xem xét, cân nhắc để có quy định thông thoáng và độ mở cao hơn” - ông Hưng góp ý.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa 100 triệu đồng/tháng là quá thấp. Ảnh: TL
Có thể được sửa đổi
Ngoài các quy định trên, dự thảo còn đưa ra nhiều sửa đổi, bổ sung mới theo hướng kiểm soát việc mở tài khoản ví. Điển hình như cá nhân mở ví điện tử cần cung cấp thông tin, giấy tờ như căn cước công dân, CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh; tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (MoMo, ZaloPay, AirPay, Moca, Payoo...) phải kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở ví của khách hàng đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định; đồng thời có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở ví…
Theo ban soạn thảo, đây là những quy định cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị NHNN cân nhắc yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví, vì có thể sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng và thuê bao điện thoại.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng Công ty Ernst&Young Việt Nam, cho biết hiện nay chi phí bình quân để thu thập thông tin cho một tài khoản ngân hàng là 300.000 đồng. Đó là chưa kể các chi phí lưu trữ, quản lý… phát sinh theo thời gian.
Do đó, việc NHNN buộc các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải thực hiện lại thủ tục xác minh khách hàng là không cần thiết, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. “Giải pháp cần có là xây dựng cơ chế kết nối để ngân hàng, nhà mạng và các doanh nghiệp có thể chia sẻ và cùng sử dụng thông tin khách hàng” - bà Dương đề xuất.
Trước những thắc mắc và kiến nghị trên, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), lý giải những quy định tại dự thảo là căn cứ vào tình hình thực tiễn. “Chẳng hạn khi đưa ra hạn mức 20 triệu đồng/ngày có thể gặp phản ứng, tuy nhiên lý do giới hạn là nhằm tránh trường hợp mua bán, kinh doanh sau đó sử dụng ví để che giấu vì mục đích khác như không khai báo thuế” - ông Dũng lý giải.
Đại diện NHNN dẫn chứng cả nước có 29 đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch/năm. Các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ xoay quanh con số 200.000 đồng trong khi giá trị bình quân lớn nhất cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Ông Dũng cũng bày tỏ quan điểm cá nhân là không muốn đặt hạn mức thanh toán theo ngày nhưng mức thanh toán tối đa theo tháng 100 triệu đồng là rất cần thiết và phù hợp.
“Rất ít cá nhân không tiêu hết 100 triệu đồng/tháng qua ví nên doanh nghiệp trung gian thanh toán cũng đừng quá lo lắng vì bình quân giá trị thanh toán của cá nhân qua ví chỉ 5 triệu đồng” - đại diện NHNN nói và trấn an “hạn mức này nếu không phù hợp thì có thể được sửa đổi sau năm năm nữa”.
Cấm mua bán, thuê… ví điện tử Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014, NHNN bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong sử dụng ví điện tử. Ví dụ, cấm sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cấm mua bán, thuê, cho thuê, chuyển nhượng ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử, mở hộ ví điện tử; mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép… Nên cho phép ví điện tử xuyên biên giới Trong bối cảnh hội nhập, cần xem xét cho phép ví điện tử có thể giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Nhìn từ thực tế như tour du lịch 0 đồng của Trung Quốc cho thấy khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam chi tiêu nhưng tiền lại quay về Trung Quốc. Như vậy Việt Nam cũng cần phải tính toán khả năng có nên cho ví điện tử được thanh toán bằng tiền đồng xuyên biên giới hay không. Nếu có thì cần phải tính toán để bổ sung vào thông tư mới. TS CẤN VĂN LỰC |