|
Bánh mì theo chân người Pháp du nhập vào Sài Gòn từ những năm cuối thế kỷ thứ XIX, nhưng chỉ thực sự lan tỏa mạnh mẽ khi làn sóng người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Những thương hiệu bánh mì lâu đời và hàng đầu của Sài Gòn phần lớn gắn liền với những gia đình gốc Bắc, như bánh mì Hòa Mã ở góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu (Q3), bánh mì Bảy Hổ (đường Huỳnh Khương Ninh, Q1), bánh mì Hà Nội (83 - 85 Nguyễn Thiện Thuật, Q3), bánh mì Nguyên Sinh (141 Trần Đình Xu, Q1)...
David Hagerman mô tả món ăn hấp dẫn này "là những chiếc bánh baguette được bổ dọc, bên trong phết lên sốt mayonnaise, pâté, thịt, thỉnh thoảng có thể là phô mai hoặc cá đóng hộp, kèm theo các loại rau củ quả tươi ngon như hành lá, dưa leo, ngò và đồ chua… thêm vào tương ớt và nước tương Maggie."
David cũng tìm đến xe bánh mì khiêm tốn của chị Hoàng Thanh Mai trước số nhà 117H Trương Định (P6, Q3) với phần giò heo ăn kèm tuyệt ngon. Bánh mì ốp la cũng là một lựa chọn thú vị của xe bánh mì chị Mai.
Một địa chỉ khác cũng ấn tượng không kém là bánh mì Hòa Mã trên đường Cao Thắng (Q3). Đây là một trong những tiệm bánh mì lâu đời nhất Sài Gòn. Theo nhiều tài liệu tham khảo thì năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Trước khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để phục vụ cho người dân nơi đây. Và thế là cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hoà Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) ra đời năm 1958 tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 51 Cao Thắng cho đến nay.
Ngoài ra còn có thương hiệu bánh mì Số 1 mở vào năm 2008 bởi anh Trần Linh Sơn, 1 người có kinh nghiệm làm bếp khách sạn hơn 10 năm. Đó là kiểu bánh mì thịt nướng ăn kèm với hành lá, nước mắm và đậu phụng rang giã nhỏ để thay thế cho sốt mayonnaise, tương ớt và nước tương.
Cùng xem thêm những khung hình đẹp của bánh mì Sài Gòn mà David Hagerman ghi lại: