Vì sao các vụ án hành chính khó hòa giải thành?

(PLO)- Theo VKSND tỉnh Khánh Hòa, một trong những nguyên nhân khiến những năm qua tỉ lệ hòa giải thành các vụ án hành chính bằng 0% là do người bị kiện không tham gia việc đối thoại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Ban cải cách tư pháp Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị chuyên đề về “Thực trạng và giải pháp nâng cao tỉ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.

Tại hội nghị, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cho biết số liệu thống kê cho thấy những năm qua tỉ lệ vụ án hành chính được hòa giải thành là 0%.

Đơn cử như mới đây, Trung tâm Hòa giải đối thoại đã có thông báo chuyển vụ việc của hai công dân kiện UBND tỉnh Khánh Hòa sang TAND tỉnh Khánh Hòa xem xét, thụ lý theo quy định. Đây là trường hợp đối thoại không thành do người bị kiện không tham gia tố tụng trực tiếp. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao cho Giám đốc Sở Xây dựng tham gia phiên đối thoại. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng tiếp tục giao cho công chức chuyên môn tham gia phiên đối thoại.

Theo VKS, nguyên nhân hòa giải không thành đến từ việc người bị kiện không tham gia việc tiếp cận, kiểm tra công khai chứng cứ và đối thoại. Ngoài ra, trường hợp công chức chuyên môn được cử tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích cho người bị kiện để tham gia đối thoại, tiếp cận kiểm tra công khai chứng cứ thì họ cũng không có quyền quyết định trước các yêu cầu của người khởi kiện.

Bà Đào Thị Ngọc Thuận, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉ lệ hòa giải thành án hành chính là 0%. Ảnh: H.H

Bà Đào Thị Ngọc Thuận, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉ lệ hòa giải thành án hành chính là 0%. Ảnh: H.H

Đại diện VKS cho rằng mặc dù Luật Tố tụng hành chính (TTHC) đã xác định đối thoại là giai đoạn bắt buộc trong quá trình TTHC và có ý nghĩa quan trọng trong việc các bên gặp gỡ nêu vấn đề “gút mắc” để cùng đưa ra hướng giải quyết, hạn chế việc đưa vụ án ra xét xử.

Nhưng từ thực tế trên, người khởi kiện cũng không tin tưởng vào vào trách nhiệm của cơ quan hành chính bị kiện. Do đó, họ cũng chủ động từ chối tham gia đối thoại, trong khi xét về lợi ích người khởi kiện luôn mong muốn được đối thoại thành.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã báo cáo Bộ Tư pháp về việc thi hành xong bản án hành chính phúc thẩm ngày 29-10-2021 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Đây là vụ án hành chính kéo dài mà Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có giải pháp tổ chức thi hành dứt điểm.

Cụ thể, UBND tỉnh đã có quyết định về việc bán nhà ở cũ thuộc quyền sở hữu Nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất ở tại lô số 4 nhà số 8 Biệt Thự, TP Nha Trang cho người dân.

Theo bản án, tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc thực hiện thông báo và quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa năm 2006 về giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với căn nhà trên giá 49,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng giá đất trên đã trải qua 15 năm nên không phù hợp với giá thị trường hiện hành. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giải thích thêm nội dung thu tiền theo bản án. Đồng thời, có đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm.

Sau đó, TAND Tối cao có thông báo không có căn cứ để kháng nghị.

UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó đã có quyết định bán căn nhà trên cho người dân với tổng giá trị hơn 2,2 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm