Vì sao khó trị tiếng ồn từ karaoke tự phát?

Sự việc thầy giáo ở Bình Dương bị hàng xóm đâm chết sau khi nhắc hàng xóm hát karaoke gây ồn là đỉnh điểm của sự chịu đựng tiếng ồn karaoke đang có mặt khắp nơi.

Chị Lý Thị Phương (phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM) ngao ngán: “Tôi sợ nhất là thứ Bảy, Chủ nhật hoặc kỳ nghỉ lễ, hàng xóm tụ tập ăn nhậu sau đó sẽ ca hát cả ngày. Tứ bề, bốn bên nhà nào cũng hát, mình có nhắc họ thì họ càng hát to. Nếu mình có ý kiến thì họ kêu lên phường mà ý kiến, đây là nhà tôi, tôi hát. Phải chi có nhà chuyển đi nơi khác sống”.

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là loa khủng đang diễn ra ở khắp nơi và trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Luật đã rõ, cần xử phạt nghiêm!

Hiện nay pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke. Cụ thể, Nghị định 167/2013 quy định hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn (các thông số vượt chuẩn đều quy định rất rõ ở nghị định này). Người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn karaoke của hàng xóm có quyền phản ánh sự việc đến UBND hoặc công an nơi cư trú.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM, thông tin hiện nay UBND quận 12 đã thành lập đường dây nóng và tiếp nhận thông tin từ Facebook. Đối với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, quận đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các phường, cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý từ những phản ánh của người dân. Riêng các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư thì cần khoanh vùng lại để theo dõi và xử lý kịp thời.

Ông Huỳnh Văn Nam, Phó Chủ tịch phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM, cho biết khi tiếp nhận phản ánh của người dân về việc hát karaoke gây ồn, UBND phường sẽ kiểm tra và nhắc nhở. Thường thì sau khi bị nhắc nhở, nơi đó sẽ ngưng hát hoặc hạn chế hát. Về vấn đề xử phạt thì phường chỉ xử phạt những trường hợp hát quá giờ, còn xử phạt về vi phạm tiếng ồn thì UBND quận sẽ cùng với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Khi người dân phản ánh tiếng ồn từ karaoke tự phát, ngành chức năng xuống kiểm tra thì tiệc đã tàn, không đo được tiếng ồn. Ảnh: HTD

Không đo được độ ồn vì tới nơi thì tiệc đã tàn

Với karaoke tự phát trong dân, nhiều địa phương cho biết rất khó xử phạt.

Đại diện UBND phường Cầu Kho (quận 1, TP.HCM) cho biết tiếng ồn từ karaoke chủ yếu phát ra từ các hộ gia đình nhậu xong rồi hát; các quán ăn, cửa hàng mở loa thu hút khách… Tuy nhiên, đối với các trường hợp vi phạm tiếng ồn, phường cần phải mời đơn vị có nghiệp vụ cùng với phường để kiểm tra và xử lý vi phạm tiếng ồn. Việc này rất mất thời gian, bởi phường không có đủ chuyên môn nên phải phụ thuộc vào đơn vị đo. Nhiều khi đơn vị đo cùng với đoàn kiểm tra xuống tới nơi thì tiệc đã tàn nên việc đo độ ồn không khả thi.

Một phó chủ tịch quận tại TP.HCM cũng cho hay: Khi nhận được tin báo từ người dân hoặc địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ cử người xuống kiểm tra. Nếu xác định việc gây ồn đến mức phải xử phạt hành chính thì phòng sẽ mời một đơn vị độc lập tổ chức đo tiếng ồn. Kết quả nếu vượt chuẩn cho phép thì sẽ lập biên bản để xử phạt. Tuy nhiên, quy trình này chủ yếu áp dụng với những cơ sở sản xuất, kinh doanh.

“Trên thực tế, hành vi hát karaoke rất khó xử phạt theo Nghị định 155/2016 vì nó chỉ diễn ra tức thời, không liên tục. Nếu theo nghị định này thì chính quyền phải mời đơn vị có chức năng được Bộ TN&MT cấp phép đến đo nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không thể xuống ngay được. Lúc lực lượng đến nơi có thể hành vi gây ồn đã không còn nữa” - vị phó chủ tịch quận nói.

Những vụ án nổi cộm vì karaoke loa khủng

Thầy giáo trẻ bỏ mạng

Tối 7-10, Trương Văn Sĩ và La Văn Liêm cùng một số người tổ chức nhậu tại phòng số 4, xóm trọ ở khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương và mang loa ra cửa để hát karaoke.

Bị tiếng ồn làm phiền, thầy giáo Nguyễn Văn Phước (28 tuổi) ở phòng trọ đối diện sang nhắc nhóm nhậu vặn loa nhỏ lại. Hai bên lời qua tiếng lại rồi thầy Phước bỏ về. Nhóm Sĩ, Liêm tiếp tục kéo sang nhà thầy Phước gây sự rồi tấn công khiến thầy Phước tử vong.

Xách ba con dao đi xử hàng xóm

Giữa trưa 28-2, sau chầu nhậu, ông Nguyễn Minh Phước (49 tuổi) cùng nhóm bạn tập trung hát karaoke ở nhà một người bạn tại thôn Bình Yên A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lúc này ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi) thấy nhóm trên hát nhạc to giữa trưa nên sang nhắc nhở nhưng không có tác dụng.

Bực tức, ông Lộc mang ba con dao sang nhà hàng xóm đâm hai nhát vào người ông Phước khiến nạn nhân tử vong sau đó.

Đánh luôn cán bộ xã

Ngày 7-3, cán bộ văn hóa xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang là anh Lê Trường Giang cùng hai công an viên đi kiểm tra độ ồn phát ra từ dàn karaoke lưu động. Lúc này nhà ông Huỳnh Văn Ca tổ chức sinh nhật và hát karaoke. Khi tổ công tác xã chuẩn bị đem máy ra đo tiếng ồn thì những người trong nhà ông Ca dùng gạch ống tấn công khiến ba cán bộ nói trên bị thương, phải nhập viện.

Hai nhóm nhậu đụng độ

Tối 24-10-2016, NTKT đến nhà chị H. ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa để ăn nhậu. Lúc này nhà ông D. sát vách cũng đang ăn uống, hát karaoke. Khoảng 19 giờ, người nhà chị H. sang nhà ông D. nhắc mở nhạc nhỏ lại thì hai bên xảy ra cự cãi. T. rút dao đâm gục một người ở trong nhà ông D. khiến nạn nhân tử vong.

NC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới