Nhưng tờ New York Times của Mỹ dẫn lời các nhà phân tích, cho hay các mục đích của Moscow ẩn ý hơn rất nhiều, và tập trung vào chiến lược lâu dài nhằm ngăn Ukraina thoát khỏi quỹ đạo kinh tế và quân sự của Nga.
Cộng hòa tự trị Crưm sáp nhập vào Nga. |
Để đạt tới đó, Kremlin đã đưa ra một yêu cầu trọng tâm mà mới nhìn qua, điều này không phải là quá vô lý. Moscow muốn Kiev chấp nhận một hệ thống chính quyền liên bang, và người đứng đầu các bang trên khắp Ukraina sẽ được trao nhiều quyền hơn.
“Một cấu trúc liên bang sẽ đảm bảo rằng Ukraina không chống lại Nga” – ông Sergei A. Markov, một chiến lược gia chính trị người Nga thân Kremlin, nhận định.
Các quan chức Nga nói rằng họ có tầm nhìn về một hệ thống ở Ukraina mà trong đó, các vùng sẽ bầu nên các lãnh đạo của mình và bảo vệ lợi ích kinh tế, văn hóa cũng như truyền thống, tôn giáo, bao gồm cả việc gây dựng quan hệ kinh tế độc lập với Nga.
Nhưng rất nhiều chuyên gia bác bỏ kế hoạch này. “Đây là một hình thức khác nhằm làm suy yếu và buộc Ukraina phải phụ thuộc” - Lilia Shevtsova, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định.
Một chính trị gia đối lập của Nga là Vladimir A. Ryzhkov nhận định: Tổng thống Putin muốn ‘Ukraina một là tuyệt đối trung lập, hai là phụ thuộc vào Moscow’. “Nếu anh có một chính quyền trung ương yếu và các tỉnh trưởng mạnh, anh có thể làm việc trực tiếp với các tỉnh trưởng thay vì với Kiev”.
Mỹ một mặt ủng hộ việc phân quyền, mặt khác lại phản đối việc giao phó quá nhiều quyền lực cho các vùng.
Rất nhiều nhà phân tích nói rằng vấn đề đang phủ bóng lên Ukraina không đơn giản là mâu thuẫn Đông – Tây. Quyền lực thực tế của Nga nằm ở chỗ, Ukraina phải hành xử khéo léo, linh hoạt, sao cho vẫn vừa lòng Nga trong khi vẫn bảo toàn được độc lập của mình. Điều này sẽ là tâm điểm trong vấn đề liên bang hóa ở Ukraina.
Các quan chức Nga thì rất rõ về mục đích của mình. “Một chính quyền tập trung sẽ chỉ có lợi cho những người cấp tiến” - Sergei A. Zheleznyak, phó phát ngôn viên của Quốc hội Nga, phát biểu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Hiến pháp Ukraina không có sự cân bằng hơn (giữa cả hai miền đông – tây) thì Nga có thể sẽ có biện pháp trước kỳ bầu cử Tổng thống Ukraina vào ngày 25/5 tới – khi mà chính quyền và hiến pháp mới sẽ hình thành.
Người biểu tình thân Nga tại Donetsk đòi ly khai. Ảnh: RT |
Dù rằng hiện nay không ai có thể dự đoán được Kremlin sẽ làm gì trong những tuần kế tiếp, các nhà phân tích vẫn chỉ ra ba kết quả có thể xảy ra.
Trước tiên, Nga có thể sẽ tác động vào bầu cử Tổng thống ở Ukraina với một ứng viên mà họ thiện cảm, hoặc họ có thể thành công trong việc đặt ra thể chế liên bang mà họ cần nhằm nắm quyền phủ quyết chính sách kinh tế và quân sự.
Cho tới lúc này chưa có ứng viên nào đứng hẳn về phía Moscow. Nhưng cũng không có lãnh đạo nào ở Ukraina liều lĩnh gây hiềm khích với Nga vì 1/3 hàng hóa của Ukraina lúc này đang xuất khẩu sang Nga.
Nga muốn Ukraina có một hiến pháp trao quyền nhiều hơn cho các tỉnh trưởng. Các nhà phân tích cho rằng dàn xếp ổn thỏa nhất có thể là thứ gì đó gắn liền với điều mà mọi người hay gọi là việc ‘liên bang hóa và Phần Lan hóa’ Ukraina. Sau Thế chiến II, Phần Lan đã có một cách tiếp cận rất thực tế đối với láng giềng khổng lồ của mình – vẫn không gia nhập NATO, và tránh gia nhập Liên minh châu Âu mãi cho tới năm 1991, tức là sau khi Liên Xô sụp đổ.
Kết cục thứ hai có thể là một vụ sáp nhập kiểu Crưm – phiên bản II, với việc cư dân ở miền đông và nam Ukraina bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Những người biểu tình ở Donetsk đã tuyên bố rằng họ muốn làm cách này vào ngày 11/5, nhưng Moscow chưa thể hiện sự đồng tình.
Điều khiến quan chức Ukraina lo ngại là Kremlin có thể đổi ý và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý nếu họ thấy rằng hiến pháp mới là không hiệu quả. Điều này đổi lại có thể dẫn tới một cuộc tấn công quân sự bất ngờ. Giả thiết này chắc chắn là gây bất ổn cho Ukraina và đẩy Kiev chuyển hướng hẳn sang phương Tây, nhưng lại quá rủi ro cho Moscow.
Trước tiên là vì chẳng có gì đảm bảo rằng Nga có thể nắm được cả vùng miền đông rộng lớn của Ukraina mà không mất viên đạn nào như ở Crưm. Thêm vào đó, tấn công quân sự chắc chắn chỉ khiến trừng phạt của Mỹ và châu Âu thêm nặng nề, khiến nền kinh tế Nga thêm điêu đứng.
Đồng thời, hành động này có thể khiến chính người dân Nga phản đối, và miền tây Ukraina có thể gắn kết hơn nữa nhằm chống lại Nga – trong khi nơi này không quá xa biên giới Nga.
Còn có một lý do nữa để tin rằng trong một cuộc bỏ phiếu công bằng thì trưng cầu dân ý sẽ cho ra kết quả không có lợi vì đa phần người dân ở đây không phải là người Nga như ở Crưm.
Và có thể, điều quan trọng nhất là các tài phiệt ở miền đông Ukraina mà một số trong đó hiện đang là tỉnh trưởng vẫn phản đối việc trở thành một phần của Nga.
Kết cục thứ ba và cũng khó xảy ra nhất là một cuộc tấn công toàn diện. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng khả năng này vẫn không thể loại trừ. Bởi nếu ông Putin bị thôi thúc bởi mong muốn tạo dựng lại đế chế Nga, hoặc những người nói tiếng Nga bị tàn sát với thương vong lớn, thì ông có thể cảm thấy chẳng còn cách nào khác là phải đáp trả bằng vũ lực.
Ông Markov cho rằng: “Tốt hơn hết là giải quyết vấn đề khi tình hình còn đang lắng dịu”.
Ukraina có vị trí chiến lược giữa Nga và châu Âu. Putin coi Ukraina là nền tảng cho liên minh thuế quan Âu- Á. Phần lớn học giả vẫn nghi ngờ cuộc khủng hoảng sẽ dẫn tới giải pháp về quân sự.
Sergei Karaganov – hiệu trưởng Trường Kinh tế Quốc tế và Đối ngoại, từng là cố vấn của Kremlin, cho rằng Nga có đủ mọi phương tiện kinh tế và biện pháp khác để vận dụng mà chưa cần tới vũ lực, chẳng hạn như khí đốt. Ông Karaganov hay nói về học thuyết rằng Moscow nên bảo vệ lợi ích của hàng triệu người gốc Nga và nói tiếng Nga bên ngoài lãnh thổ Nga kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
“Có nhiều người muốn hợp nhất lại với Ukraina, nhưng tôi nghĩ rằng số đông, thậm chí cả Kremlin cũng không muốn vậy” – Karaganov nói.
Theo Lê Thu (VNN)