Cuối tuần qua, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng Công an TP.HCM, Công ty CP Địa ốc Alibaba vẫn tổ chức buổi ra mắt dự án khu đô thị sinh thái Ali Venice City ngay tại trụ sở công ty này. Thời gian qua báo chí và chính quyền nhiều địa phương đã liên tục cảnh báo dự án ma của Alibaba song vẫn có nhiều khách hàng đổ tiền đặt cọc, mua đất. Theo các chuyên gia, công ty này đã đánh trúng điểm yếu lớn nhất của nhà đầu tư là lòng tham.
Biết dự án ảo, vẫn bỏ hàng trăm triệu mua
Tại buổi giới thiệu, người thuyết trình của Công ty Alibaba “vẽ” ra bảy bước trong quy trình thực hiện dự án và khẳng định nhờ đó mà rút ngắn thời gian xin cấp phép dự án, tối ưu chi phí, hạn chế nhũng nhiễu… Với hàng loạt cách dẫn dắt, cam kết hùng hồn, gia tăng uy tín bằng các mối quan hệ với cơ quan chức năng, người nổi tiếng…, Công ty Địa ốc Alibaba vẫn làm cho nhiều người tin tưởng và sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ để mua các dự án ảo hòng kiếm lợi nhuận.
Một người làm truyền thông ở quận Tân Bình chia sẻ: “Tôi có người bạn vừa bỏ ra 200 triệu đồng để mua đất nền dự án Ali Venice City. Anh này nói dù có nhiều thông tin khẳng định dự án không có thật nhưng với các cam kết của chủ đầu tư và tin rằng sẽ thu lợi khi bán lại nên vẫn ra tiền”.
Thế nhưng người thu lợi đâu chưa thấy mà người lỡ “ôm bom” vì mua dự án kiểu này thì đã có, đơn cử như trường hợp bà LAL (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Cách đây một năm, bà L. ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng một nền đất với Công ty cổ phần Bất động sản (BĐS) Chiến Thắng và hợp đồng quyền chọn với Công ty Alibaba để mua lô đất tại dự án Alibaba Center City 5 tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà đã thanh toán 452 triệu đồng cho Alibaba. Theo hợp đồng, bà được công ty cam kết lợi nhuận 12% sau sáu tháng. Nghĩa là đến thời hạn ấy, Alibaba sẽ phải thu mua lại nền đất trên với lãi suất thỏa thuận. Thế nhưng đến bây giờ bà nhiều lần liên hệ nhưng luôn bị công ty thoái thác giải quyết.
Tương tự, ông NPQ (ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng ba nền đất thuộc dự án Alibaba Center City 5 cuối năm 2018, thanh toán 95% giá trị lô đất với các thỏa thuận tương tự bà L. và cũng không đòi được lợi nhuận như cam kết. Cả hai đã gửi đơn kiện Alibaba lên tòa án.
“Phía Alibaba viện cớ khách hàng đã ký hợp đồng với công ty con của họ nên đẩy qua công ty con giải quyết. Đó chỉ là cách tạo liên minh để đùn đẩy trách nhiệm” - luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, người đại diện theo ủy quyền của ông Q. và bà L., nêu ý kiến.
Dự án khu dân cư Alibaba Tân Thành Center 1 tại Vũng Tàu bị cưỡng chế trả lại hiện trạng. Ảnh: T.KHÁNH - K.CƯỜNG
Alibaba đang đánh tráo khái niệm
Theo ông Cường, Công ty Alibaba không có đất mà hợp tác phát triển dự án với các cá nhân có chủ quyền sử dụng đất thông qua các công ty con/sàn giao dịch. Từ đó ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng với chiết khấu rất cao. Cộng thêm sản phẩm được tính giá thấp hơn so với thị trường 20%-30%, luôn cam kết thu mua lại với lãi suất hấp dẫn nên nhiều người lao vào tìm lợi.
“Việc Alibaba và nhóm công ty của họ ký hợp đồng, thu tiền hàng ngàn lô đất thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 của Luật Kinh doanh BĐS 2014. Do đó, chủ đầu tư dự án và các công ty phân phối, hợp tác bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS” - ông Cường phân tích.
Cụ thể, để thực hiện dự án dân cư phải qua rất nhiều thủ tục như được UBND các cấp có thẩm quyền chấp thuận địa điểm đầu tư, rồi phù hợp quy hoạch tỉ lệ 1/500… Thế nhưng nhiều địa phương đã xác minh và chỉ ra hầu hết các khu đất được bán là đất nông nghiệp, đất trồng rừng.
“Nhóm các công ty Alibaba không tuân theo bất kỳ quy định nào để thực hiện dự án nên có thể khẳng định các dự án của họ chắc chắn không thể hoàn tất thủ tục để bàn giao nền đất (với hạ tầng hoàn thiện được cơ quan chức năng cấp phép) hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng theo thỏa thuận” - ông Cường nói thêm.
Trong buổi giới thiệu dự án Ali Venice City ngày 28-7, CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện đã nói Alibaba là công ty môi giới, tất cả dự án của họ đều có hợp đồng hợp tác phân phối, chứng từ thu mua… “Toàn bộ tài sản của Alibaba là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cá nhân làm chủ đầu tư, ủy quyền cho các chủ đầu tư đứng ra thực hiện dự án, do vậy có vấn đề gì thì tài sản đó không bị mất đi” - ông Luyện khẳng định trước các khách hàng.
Tuy nhiên, lập luận này đã bị luật sư Cường phản bác. Ông Cường khẳng định việc Công ty Alibaba và nhóm chân rết của họ ký hợp đồng, thu tiền với hàng ngàn lô đất, nhiều trường hợp huy động vốn lên đến 95% số tiền sản phẩm với những cam kết ảo, đẩy rủi ro về phía khách hàng… thuộc một trong các hành vi bị cấm và không được làm theo Điều 8 của Luật Kinh doanh BĐS.
Đồng tình, ông Nguyễn Tấn Phong, chuyên gia pháp lý BĐS, cũng cho rằng Alibaba đang đánh tráo khái niệm. Muốn thực hiện dự án phải làm rất nhiều thủ tục, Alibaba không đáp ứng yêu cầu này và thực tế không làm gì cả, chỉ đứng sau “vẽ” ra dự án. “Khi có rủi ro, họ nói đất không phải của công ty mà của cá nhân. Đây là chiêu lách, bởi chủ sử dụng đất là cá nhân, không phải công ty” - ông Phong nói thêm.