Khai bút đầu xuân
Tục “Khai bút đầu xuân” không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ…mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.
Theo quan niệm dân gian, những chữ “khai bút đầu xuân” phải do mình tự nghĩ ra, chứ không nên sao chép của người khác. Đó có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng. Đôi khi, nó cũng chỉ đơn giản là những xúc cảm hay những mong ước tốt đẹp về gia đình, bạn bè, công việc, học hành, thi cử…
Do có ý nghĩa đề cao sự học nên phong tục “khai bút đầu xuân” vẫn được duy trì thường xuyên ở nhiều gia đình Việt Nam. Nó không những thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng dăn dạy con cháu về đức tính hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thời gian thực hiện nghi thức “khai bút” thường diễn ra sau lễ giao thừa.
Gắn với tục “khai bút“, người Việt còn có tục “xin chữ đầu năm“. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành.
Xin chữ đầu năm
Xông đất, xông nhà chọn người “tốt vía, hạp tuổi”
Theo tục lệ của người Việt Nam, người đến thăm gia đình đầu tiên trong năm mới gọi là người xông nhà hay xông đất, đạp đất. Con cháu phải ở trong nhà chờ người đến xông nhà rồi mới được đi chúc Tết bà con, bạn bè. Ông bà ta tin rằng người khách đầu tiên bước vào nhà mình sáng ngày mùng một Tết sẽ đem đến điều may mắn hay rủi ro cho gia đình suốt năm đó nên họ thường chọn người khách xông nhà rất kỹ.
Hái lộc
Trải qua bao đời nay, nét đẹp hái lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa tết trong đời sống của người Việt. Bởi theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mồng một tết, xin cành lộc nhỏ của loài cây cổ thụ có sức sống mạnh mẽ như: sung, si, đa, đề ... ở chốn linh thiêng nơi đền, chùa, miếu mạo … đem về, là để rước tài lộc, mang sự may mắn sinh sôi nẩy nở về nhà. Nó được nâng niu, giữ gìn cẩn thận, không cho ai, vì như vậy sẽ "mất lộc".
Sau khi xin lộc về, cành lộc được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ và sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm.
Lâu nay một số người đã có sáng kiến dùng cây mía có cả ngọn hoặc gieo mầm hạt lúc thành những chén lộc nhỏ nhắn, xinh xinh. Một số nơi thì thay bằng lộc lá trầu. Tất cả đều tượng trưng cho chồi lộc và cũng giữ gìn cảnh quan môi trường, hạn chế được tình bẻ cành, hại cây đầu xuân.
Chúc thọ, chúc Tết
Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm làng giềng, bạn bè thân thích, đồng thời chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Người nào thích điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất, luôn hướng tới sự tốt lành và kiêng nói tới những điều rủi ro hoặc xấu xa.
Chúc thọ của người Việt trong ngày đầu năm mới thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử. Đó là dịp để mỗi người con, người cháu bày tỏ tình cảm, lòng hiếu thảo, kính yêu đến ông bà, cha mẹ và những người xung quanh.
Lì xì
“Lì xì” nguyên là chữ “lợi thị” (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Ông bà cha mẹ sẽ chuẩn bị một ít tiền cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng trông rất bắt mắt để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và dành những lời chúc hay nhất đến bọn trẻ như hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn…