Sở QH-KT TP.HCM vừa công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật trong giải quyết hồ sơ tại Phòng Quản lý Quy hoạch Khu vực 1 (phòng khu vực 1) thuộc Sở QH-KT TP. Theo đó, công tác thiết kế tổng thể khu trung tâm TP tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23/9, chợ Bến Thành là một trong những nội dung thanh tra.
Chậm gần 5,5 tháng so với kế hoạch
Kết luận thanh tra chỉ ra: Tiến độ, phòng khu vực 1 thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra hoàn thành tham mưu vào quý 2-2023.
Theo đó, thay vì phải hoàn thành mốc quý 2-2023, phòng khu vực 1 tham mưu UBND TP đầu tư xây dựng khu vực trung tâm TP tại trục đường Lê Lợi, công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành vào ngày 14-11-2023.
Trước đó, ngày 18-5-2023, Giám đốc Sở QH-KT TP ban hành thông báo phân công phòng khu vực 1 phối hợp với Phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở, phân tích sơ bộ các khu vực còn khả năng biến đổi, khu vực khó có khả năng biến đổi (ổn định lâu dài) đối với khu vực trung tâm các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành.
Đồng thời, định hướng phát triển không gian giao thông, không gian trên mặt đất và không gian ngầm để Tổ Công tác 1835 (của UBND TP.HCM) thống nhất các nội dung trước khi báo cáo đề xuất UBND TP xem xét quyết định.
Hồi tháng 7-2022, Sở QH-KT TP được UBND TP giao khẩn trương đề xuất phương án tái lập nút giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi và phương án quy hoạch xây dựng lại vòng xoay trước chợ Bến Thành, để có cơ sở triển khai thực hiện, không để chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ tái lập tuyến đường Lê Lợi.
Lý do quy hoạch chậm trễ
Theo báo cáo của đơn vị giải trình, việc thực hiện chậm xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như nhiệm vụ của Tổ công tác báo cáo UBND TP về đề xuất việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với việc khai thác sử dụng không gian ngầm vào các mục đích thương mại, đậu xe,...
Ngoài ra, nguyên nhân chậm cũng xuất phát từ việc đề xuất kế hoạch thực hiện, hình thức kêu gọi đầu tư, cần thời gian và sự phối hợp nhiều sở, ngành, kết luận thanh tra lý giải thêm.
“Đây là công tác nghiên cứu có nội dung quan trọng, phạm vi rộng cần nhiều ý kiến từ các sở ngành và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực văn hóa, đầu tư, tài chính, giao thông", Thanh tra Sở nhận xét.
Ngoài ra, một số nội dung liên quan luật định chưa có hướng dẫn cụ thể như đấu thầu đất có không gian ngầm làm thương mại dịch vụ, nên ảnh hưởng đến tiến độ tham mưu giải quyết, kết luận thanh tra nhận định.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay, ngoài đường Nguyễn Huệ đã cơ bản hoàn thành, còn khu vực chợ Bến Thành, đường Tôn Đức Thắng, đường Hàm Nghi chưa được triển khai đầy đủ về quy hoạch.
Về chợ Bến Thành, hồi cuối tháng 6, UBND TP.HCM giao quận 1 lập kế hoạch triển khai cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành với tổng diện tích cải tạo khoảng 45.000 m2, tổng số vốn đầu tư 157 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước 30-4-2025.
Đối với việc cải tạo cảnh quan: Khu vực chợ Bến Thành sẽ lát nền bằng đá granite tự nhiên, bố trí cây xanh, thảm cỏ (có hệ thống tưới tự động), hệ thống đèn chiếu sáng cảnh quan và lắp đặt các trang thiết bị tiện ích công cộng khác (ghế ngồi, biển chỉ dẫn, máy uống nước tự động, wifi, camera, thùng rác, nhà vệ sinh...)
Với đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM có kế hoạch ngầm hóa con đường này, theo đó, ngành giao thông TP đang nghiên cứu hai phương án làm hầm chui dưới đường Tôn Đức Thắng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ với tổng đầu tư 1.359 - 1.477 tỉ đồng. Tuyến đường dự kiến dài khoảng 2 km từ chân cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội.
Đường Lê Lợi là một trong vài tuyến đường sầm uất hàng đầu của thành phố, nằm ngay trung tâm quận 1, có chiều dài khoảng 950m, kéo dài từ phía trước chợ Bến Thành đến trước Nhà hát thành phố. Theo kế hoạch, trục đường này là một trong 22 tuyến dự kiến được tổ chức phố đi bộ ở trung tâm thành phố trong thời gian tới.