Thời gian qua, việc thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài trong nước cũng như yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại các tòa án Việt Nam đã tăng rõ rệt. Số trường hợp tòa hủy phán quyết của trọng tài trong nước cũng như không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài cũng tăng lên rõ rệt.
Đây là một nghịch lý bởi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã có những điểm mới hoàn thiện hơn so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 nhằm bảo đảm cho phán quyết của trọng tài trong nước được thi hành trong thực tế và loại bỏ bớt một số trường hợp tòa phải hủy phán quyết của trọng tài.
Hủy quyết định tùy tiện?
Mới đây, tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về thực trạng phán quyết của trọng tài trong nước bị tòa hủy khá tùy tiện.
Có đại biểu dẫn chứng về vụ tranh chấp giữa một số cổ đông với Công ty Hồng Loan, theo Trọng tài thương mại Cần Thơ, Công ty Hồng Loan phải tổ chức đại hội cổ đông. Phán quyết này sau đó đã bị tòa hủy vì yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, tòa lại không cho biết, không giải thích vì sao lại “vượt quá yêu cầu khởi kiện”.
Trường hợp khác, có vụ hội đồng trọng tài gửi thông báo mời các bên đến dự phiên họp giải quyết tranh chấp, nêu rõ thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp, được gửi hợp lệ đến các bên tranh chấp và các bên đã có mặt đầy đủ. Nhưng sau đó tòa lại tuyên hủy phán quyết trọng tài với lý do… thông báo của hội đồng trọng tài không ghi chữ “triệu tập” mà chỉ ghi là “mời”.
Từ đó, luật sư Vũ Ánh Dương (Tổng Thư ký VIAC) đưa ra ba kiến nghị: Thứ nhất, TAND Tối cao cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại. Thứ hai, TAND Tối cao cần có bộ phận theo dõi việc hủy phán quyết của trọng tài. Thứ ba, các tòa địa phương cần phải có thẩm phán chuyên sâu giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài.
Áp dụng luật chưa đúng, thiếu quy định
Nhiều thẩm phán chuyên xử án kinh tế cho biết có tình trạng nêu trên một phần cũng do các thẩm phán nhìn nhận khác nhau về các vấn đề luật định.
Chẳng hạn, về mặt tố tụng, có thẩm phán quan niệm là các thông báo của trọng tài phải gửi cho các bên theo đúng quy trình tố tụng dân sự mà tòa vẫn vận dụng. Trong khi đó, trọng tài giải quyết tranh chấp theo trình tự tố tụng riêng, khác với quy trình tố tụng của tòa.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Trọng tài thương mại quy định các thông báo, tài liệu mà trung tâm trọng tài hoặc hội đồng trọng tài gửi cho các bên được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo. Điều này khác rất lớn với tố tụng dân sự là cán bộ tòa phải tống đạt trực tiếp và phải có xác nhận của người, đơn vị nhận.
Về mặt nội dung, thế nào là phán quyết của trọng tài trái với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam thì thẩm phán hiểu khác, luật sư hiểu khác và đến nay cũng chưa có hướng dẫn nên nhiều trường hợp hủy hoặc không công nhận quyết định của trọng tài gây tranh cãi.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia Công ước New York từ năm 1995. Công ước có quy định bên phản đối việc thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài phải chứng minh với tòa án có thẩm quyền rằng quyết định của trọng tài thuộc vào một trong các trường hợp không được công nhận bởi tòa án. Tuy nhiên, khi xây dựng BLTTDS năm 2004, các nhà làm luật lại không quy định nghĩa vụ chứng minh các trường hợp không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài thuộc về bên phản đối thi hành như Công ước New York.
Bởi thiếu sót này mà một số thẩm phán cho rằng bên yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài có nghĩa vụ phải chứng minh quyết định đó không rơi vào các trường hợp không được công nhận theo BLTTDS. Nếu họ không chứng minh được thì tòa bác yêu cầu. Xuất phát từ cách hiểu đó mà một số quyết định của trọng tài nước ngoài đã bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
HOÀNG YẾN
Tòa dưới công nhận, tòa trên bác Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (TP.HCM) ủy quyền cho chi nhánh tại Hà Nội ký hợp đồng kinh doanh. Ngày 12-1-2011, chi nhánh này ký hợp đồng mua bán với Công ty Minermet SA (Thụy Sĩ). Sau đó có tranh chấp, theo thỏa thuận, Minermet SA đã yêu cầu Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore giải quyết. Sau khi có quyết định của trọng tài, Minermet SA yêu cầu TAND TP.HCM buộc Intimex thi hành quyết định. TAND TP nhận định Intimex không cung cấp chứng cứ chứng minh quyết định thuộc trường hợp không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu của Minermet SA là có căn cứ chấp nhận. Intimex kháng cáo. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, không công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài tại Việt Nam. Theo tòa, Intimex chứ không phải Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex - Chi nhánh Hà Nội là bị đơn. |