UBND TP.HCM vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), do “gây trở ngại cho công tác thanh tra”.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang công an để làm rõ và xử lý theo quy định đối với một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại cho vốn nhà nước tại IPC.
Gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Theo kết luận của thanh tra TP.HCM, trong hai năm 2016 và 2017, IPC đã chỉ định trái quy định lần lượt cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc làm cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Về HIPC, trước khi phát hành cổ phiếu, công ty này có vốn điều lệ 300 tỉ đồng (IPC sở hữu hơn 60% - tương đương 182 tỉ đồng). Năm 2016, HIPC đề xuất tăng vốn điều lệ thành 600 tỉ đồng bằng phương án phát hành 30 triệu cổ phần. Trong đó cho cổ đông hiện hữu là 10 triệu và cổ đông chiến lược là 20 triệu cổ phần.
Tháng 5-2016, Công ty Tuấn Lộc được chỉ đích danh là cổ đông chiến lược và từ đề xuất của nhóm đại diện vốn tại HIPC, IPC chỉ đạo nhóm này biểu quyết thống nhất với phương án nêu trên và biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phần cho Tuấn Lộc.
Trụ sở Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận. Ảnh: Internet
Thanh tra cho rằng quá trình IPC lựa chọn Công ty Tuấn Lộc làm cổ đông chiến lược đã không báo cáo đầy đủ cho UBND TP.HCM. Việc xây dựng tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược không có lợi cho HIPC, giá phát hành không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực của HIPC, không đảm bảo lợi ích cho HIPC và các cổ đông hiện hữu. Từ đó làm cho tỉ lệ sở hữu của IPC tại HIPC còn 40,5%. Giá bán chỉ định cho Tuấn Lộc chỉ 15.000 đồng/cổ phần, thấp hơn giá trị thực tế doanh nghiệp, có khả năng gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu và vốn nhà nước.
Đến tháng 8-2018, HIPC đã thỏa thuận với Tuấn Lộc mua lại toàn bộ 20 triệu cổ phần chiến lược đã phát hành để duy trì tỉ lệ chi phối của IPC tại HIPC như trước khi tăng vốn điều lệ.
Thanh tra TP.HCM nhận thấy việc làm của IPC và HIPC là có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra. “Các sai phạm này có dấu hiệu lợi ích nhóm, có dấu hiệu vi phạm quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 179 BLHS năm 2015” - cơ quan thanh tra kết luận.
Xem thường kỷ luật
Liên quan đến Sadeco, IPC cũng chỉ định cho Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược của Sadeco. Tháng 3-2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần tại Sadeco cho Công ty Cổ phần Bất động sản Exim (Exim), giá hơn 26.000 đồng/cổ phần, giảm tỉ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 74,8%, giảm còn 44%.
Đến tháng 9-2016, Exim bán toàn bộ số cổ phần trên cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, Công ty Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Sadeco có nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược và được nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đồng ý. Việc này tiếp tục kéo giảm tỉ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống còn 28,8% sau khi Sadeco tăng vốn điều lệ.
Đến tháng 6-2017, IPC đã bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền 360 tỉ đồng thu được Sadeco đem gửi ngân hàng lấy lãi.
Kết luận thanh tra cho thấy việc bán cổ phiếu giá 40.000 đồng/cổ phiếu, nếu chỉ so sánh giá cổ phiếu Exim bán cho Công ty Nguyễn Kim (tháng 6-2016 là 57.000 đồng/cổ phiếu) cũng đã gây thiệt hại cho Sadeco 153 tỉ đồng.
Đến tháng 9-2018, báo cáo của IPC cho biết Sadeco ngừng hợp tác chiến lược với Công ty Nguyễn Kim, thu hồi toàn bộ 9 triệu cổ phần đã phát hành cho cổ đông chiến lược và điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Sadeco từ 170 tỉ lên 260 tỉ đồng.
Thanh tra TP cho rằng việc làm này của IPC và Sadeco trong quá trình thanh tra là xem thường kỷ luật, có dấu hiệu đối phó và gây trở ngại cho hoạt động thanh tra.
Ngoài hai vụ sai phạm trên, kết luận thanh tra cũng chỉ ra IPC đã có nhiều sai phạm trong việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài; không đảm bảo lợi ích trong việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án khu dân cư Long Hậu...
Tổng giám đốc IPC đại diện vốn tại bốn doanh nghiệp Theo kết luận thanh tra, các năm 2016 và 2017, tổng giám đốc IPC được cử làm đại diện vốn nhà nước tại bốn công ty, vượt mức tối đa theo quy định (không quá ba doanh nghiệp). IPC còn cử đại diện vốn giữ chức danh trưởng ban kiểm soát không chuyên trách ở Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn – ESL (công ty con), Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước – HIPC, Công ty Cổ phần Long Hậu – LHG (là các công ty liên kết) và Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hiệp Tân – HTC (công ty liên doanh) không đúng Luật Doanh nghiệp. |