Vị tướng 30 năm cầm dao mổ

Một buổi chiều đầu đông, tôi ngạc nhiên thấy ông mặc áo blouse, tay cộc, trong lúc mọi người đã mặc áo ấm, từ phòng mổ bước ra… Làm quản lý nhưng những ca mổ khó hoặc bạn bè đồng nghiệp nhờ đích thân bác sĩ An mổ, ông vẫn vui vẻ nhận lời, rồi bật máy điện thoại cho phòng mổ chuẩn bị. Chỉ vài phút sau, người ta đã thấy ông áo blouse, đội mũ và đeo khẩu trang, găng tay chỉnh tề bước vào phòng mổ quen thuộc như người ta ngồi vào mâm cơm thường ngày.

Mổ giỏi… tất cả cơ quan trong bụng người

Năm 1982, tại Viện Quân y 103, bác sĩ trẻ Hoàng Mạnh An cầm dao mổ ca đầu tiên, ông mổ ruột thừa cho người lính đóng quân trên đất Hà Tây. 27 tuổi với một bác sĩ ngoại khoa, so với bây giờ là bình thường nhưng ngày ấy là hiếm. Ca mổ thành công, bác sĩ toát mồ hôi, giờ ông là phó giáo sư, là tiến sĩ đầu ngành, ngoài bụng, ông mổ gan, mổ dạ dày, mổ tắc ruột, mổ thận…, mổ tất cả bộ phận trong bụng con người. Ruột thừa là bệnh đơn giản nhất trong nội tạng nhưng ông vẫn nhớ như in ca mổ đầu tiên mà tự tay ông cầm dao và tự tay ông khâu những mũi chỉ cuối cùng…

Hơn 30 năm sau ca mổ đầu tiên ấy, PGS-TS Hoàng Mạnh An đã tham gia và chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước về kỹ thuật phẫu thuật nội tạng. Bây giờ là thời bình, người lính không phải trực tiếp “lưng đeo gươm” nhưng bằng những kiến thức học được và những kinh nghiệm tích lũy trong nghề nghiệp, ông đã cùng những đồng nghiệp ở BV 103 của Học viện Quân y lần thứ tư đi tiên phong và thành công trong những ca ghép tạng lớn đầu tiên ở Việt Nam, tiến những bước dài hội nhập cùng bạn bè thế giới. Nhưng một điều thú vị nhất mà ông chia sẻ với chúng tôi: Làm thế nào để hạ giá thành chi phí cho một ca ghép xuống mức thấp nhất để nhiều người bệnh có thể được ghép, chỉ có như vậy những người nghèo, bệnh trọng của nước ta mới có thể được hưởng thành tựu của y học hiện đại.

Những người quen biết hay đùa rằng: “Cuộc đời của Tướng An trải qua ở phòng mổ nhiều hơn ở nhà” quả không sai. Làm quản lý một bệnh viện lớn như vậy, công việc ngập đầu, hết ký duyệt cái nọ, cái kia đến điều lệnh, rồi quy chế nhưng ông vẫn dành thời gian tham gia các ca phẫu thuật khó khăn cùng các đồng nghiệp.

Tôi chứng kiến các cán bộ y, bác sĩ trẻ trong BV 103 và các nơi về học, khi gặp ông đều cung kính: “Chào thầy!”. Bởi ông là thầy thuốc mà cũng là thầy dạy của họ. Ông thổi ngọn lửa nhiệt tình cho các thầy thuốc trẻ, đẩy cao trách nhiệm cho các nhà khoa học quản lý trong bệnh viện. Có thể kể ra một vài ví dụ: Sự phát triển nhanh chóng của phẫu thuật nội soi trong hầu hết chuyên ngành, bụng, sản, tiết niệu, lồng ngực, xương khớp, cột sống, tai mũi họng… đến sự phát triển vượt bậc của can thiệp mạch vành tim. Các kỹ thuật đó không những giúp cho điều trị mà còn là tiền đề cho các luận văn cao học, chuyên khoa II, luận án tiến sĩ của các học viên mà ông và các đồng nghiệp hướng dẫn cho họ.

Ngoài công việc giảng dạy, ông còn tích cực biên soạn nhiều sách, giáo trình, cũng như công bố các báo cáo khoa học trên tạp chí và những tài liệu phục vụ học tập, tiêu biểu như giáo trình về Bệnh học ngoại khoa bụng (NXB Quân đội Nhân dân), Giáo trình ngoại khoa cơ sở (NXB Quân đội Nhân dân) và chuyên khảo Nhiễm khuẩn tiết niệu (NXB Y học).

Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Mạnh An (phải), một trong những cánh chim đầu đàn của phẫu thuật ghép tạng tại Việt Nam.

Tấm chân tình đặc biệt

Là người lính trực tiếp chiến đấu ở chiến trường, lại là người điều trị cho rất nhiều thương bệnh binh, hơn ai hết, ông rất hiểu nỗi đau đớn, mất mát mà những đồng đội của ông đang gánh chịu. Những năm gần đây trên cương vị là giám đốc BV 103, ông đã dành nhiều thời gian và công sức cho việc xây dựng đề án, lên kế hoạch và triển khai công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các vùng núi phía Bắc như huyện Sốp Khộp tỉnh Sơn La, huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên và nhiều nơi khác.

Ông cũng là người đã khởi xướng ra chương trình khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí của BV 103 cho các nạn nhân chất độc da cam ở huyện Yên Khánh. Mặc dù Yên Khánh không phải địa bàn theo dõi của đơn vị mình nhưng qua bạn bè ông biết đây là một huyện nghèo của tỉnh Ninh Bình, cách đây nửa thế kỷ có những đợt nhập ngũ làm nên những đơn vị chiến đấu ở các chiến trường Lào, Quảng Trị, Đường Chín Khe Sanh, Tây Ninh… Những địa danh mà Mỹ đã thả xuống biết bao nhiêu thứ chất độc có tính hủy diệt chưa từng có trong lịch sử loài người.

Bên cạnh chiếc xe lăn, Thiếu tướng An đang tập cho một cô bé phát âm và cử động. Ông giơ tay lên, mở từ từ từng vần một, bệnh nhân của ông nhìn theo cũng giơ tay, tròn miệng đánh vần. Xung quanh ông thầy giáo thiếu tướng và cô học trò bệnh nhân gần 30 tuổi này, rất đông cựu chiến binh dừng lại nhìn ngắm, có người lau nước mắt. Trước khi đến bàn khám khác, ông không quên nhắc người trợ lý: “Nhớ ghi địa chỉ của cô bé này lại rồi hướng dẫn em gõ vi tính, làm quen với Internet”.

Trước khi mọi người lên xe, Thiếu tướng Hoàng Mạnh An dặn dò: “Chúng ta không thể chữa khỏi bệnh cho họ nhưng bằng tấm lòng và trí tuệ của mình, chúng ta cố gắng làm cho sức khỏe của họ tốt hơn, để cuộc sống của họ vui hơn…”.

“Tớ cũng là binh nhì!”

Tôi viết những dòng chữ này, khi đêm giao thừa đang về rất gần với chúng ta. Mọi người vẫn hay nhắc lại câu nói vui đêm giao thừa mấy năm trước, rằng lớp lính tân binh ngày ấy giờ có người đã thành sĩ quan cấp úy, có người đang đi học tập, cũng có người trở về xây dựng quê hương nhưng chắc chắn kỷ niệm về những năm tháng quân ngũ không bao giờ quên được. Trong đó, có lần Thiếu tướng An nắm chặt tay cậu lính cảnh vệ vào bệnh viện chúc tết mọi người trong đêm giao thừa. Ông lì xì mừng tuổi cho cán bộ, chiến sĩ trực ở bệnh viện và không quên đi một vòng khối cơ quan, các khoa nội-ngoại, rồi xuống hội trường. Vị tướng đã dừng lại nói chuyện vui vẻ với anh em trung đội cảnh vệ rất lâu. Ông nắm chặt tay những người lính trẻ lần đầu tiên xa nhà, cùng uống vài ly vang đỏ, cùng ăn với lính miếng bánh chưng xanh. Ông thăm hỏi quê quán, gia cảnh của từng người. Thay vì xúc động thì những binh nhất, binh nhì đứng bên vị tướng lại rất khép nép. Đoán được tâm tư của họ, ông bảo: “Tớ cũng là binh nhì!”. Cả khán phòng cười vang… “Tướng lĩnh một lòng phụ tử”, nghe bát ngát xuân về ngoài cửa, ông mừng tuổi cho lính trẻ rồi mới về xông đất phòng mình.

Cuộc đời tựa một dòng sông dài, có lúc ào ào cuồn cuộn chảy, có lúc lại lắng đọng ân tình. Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Mạnh An bao giờ cũng vững vàng bản lĩnh, kiên cường phấn đấu. Phải chăng đó chính là chất thép và chất lính hòa quyện cùng nét nhân văn ấm áp tình người của một nhà giáo, một thầy thuốc nhân dân!

Chữa bệnh da cam bằng Đông y

Việc điều trị khỏi cho bệnh nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin rất khó khăn, nếu dùng thuốc Tây y, kết hợp với luyện tập để chữa bệnh thì sẽ rất tốn kém mà chẳng mấy có hiệu quả. Nghĩ thế nên Thiếu tướng An nghiên cứu dùng thuốc Đông y điều trị cho họ, kết quả cho thấy giảm một phần nào lượng độc tố trong cơ thể họ. Cho tới nay, sau hơn một năm thực hiện chương trình, nhiều bệnh nhân thông báo tình hình cho bệnh viện là sức khỏe họ tốt và cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm