Quốc hội (QH) đang thực hiện chất vấn các bộ, ngành tại hội trường. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa nói: “Chất vấn trên hội trường chỉ là một trong số hình thức mà ĐB dùng để thể hiện trách nhiệm với cử tri. Các ĐB phải đeo đuổi vấn đề trong suốt nhiệm kỳ của mình”.
Ba ngày và hai phút
. Phóng viên: Thưa ông, điều gì quan trọng nhất đối với một ĐB trước khi chất vấn?
+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Đó là cách soạn nội dung chất vấn vì ĐB chỉ được hỏi trong vòng hai phút. Cần lưu ý rằng chất vấn không chỉ diễn ra tại hội trường mà là một quá trình xuyên suốt, giữa hai kỳ họp, hay bắt đầu một kỳ họp. ĐB có thể chất vấn bằng văn bản, thông qua Ban Thư ký gửi thẳng đến các bộ trưởng và Thủ tướng.
. Nhiều ĐB có thể chất vấn những vụ việc cụ thể trong khi các bộ trưởng có thể không biết hết được những vụ việc ấy?
+ Chọn lựa nội dung và cách viết lời chất vấn là rất quan trọng. Nếu những vụ việc mà báo chí quan tâm, nhân dân bức xúc thì đương nhiên nên chất vấn thẳng tại hội trường. Nếu không phải vụ việc được quan tâm, bức xúc thì có thể mượn vụ việc đó để dẫn chiếu một vấn đề vĩ mô của ngành đó, bộ đó. Chứ nếu ĐB đưa một vụ việc quá cụ thể ra hội trường thì tác dụng không cao.
. Với rất nhiều vấn đề cần chất vấn, theo ông thời gian ba ngày có đủ cho hoạt động này?
+ Phải nói rằng chất vấn ĐB có thể làm ở bất cứ khi nào, không nhất thiết phải ở hội trường. Trước khi chất vấn ở hội trường thì tôi đã chất vấn bằng văn bản. Bởi mục đích của chất vấn là để được trả lời những phương án giải quyết vấn đề theo pháp luật chứ không hẳn là chất vấn để xuất hiện trên hội trường.
Dĩ nhiên, việc chất vấn trên hội trường có một tác động truyền thông rất mạnh nhưng vì thời lượng có hạn nên không thể kéo dài đến 4-5 ngày được. Mặt khác, việc trả lời của các bộ trưởng, Thủ tướng trên hội trường cũng có hạn chế do thời lượng được quy định.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đang chất vấn tại nghị trường kỳ họp Quốc hội trước. Ảnh: CHÂN LUẬN
Hậu chất vấn: Phải giám sát
. Có thực tế là sau chất vấn, việc giám sát những trả lời, lời hứa của những tư lệnh ngành có vẻ rất khó khăn?
+ Đây đích thực là trách nhiệm của các ĐB. Có nhiều ĐB đeo bám, theo đuổi vấn đề từ đầu kỳ họp đến cuối kỳ họp, từ đầu đến cuối nhiệm kỳ, thậm chí là từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Tuy vậy, cũng có những ĐB chất vấn xong rồi thôi, không tiếp tục quan tâm. Vì vậy, trách nhiệm đeo đuổi các vấn đề chất vấn của các ĐB cần được đặt ra.
. Gần đây, tại QH, tính tranh luận có vẻ được đẩy lên rất cao?
+ Tranh luận thì lúc nào cũng tốt đối với hoạt động của các cơ quan dân cử và đôi khi nó có thể không hoàn toàn hợp lý nhưng về bản chất tranh luận tại QH, ở tổ hay trên hội trường đều rất quan trọng. Điều này cũng tùy thuộc vào cá tính của ĐB và cách điều hành của chủ tọa.
. Ông có hài lòng với cách lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn tại QH kỳ này không?
+ Trước đây, có một số kỳ chất vấn tôi không hài lòng về cách chọn lựa vấn đề nhưng lần này QH lựa chọn bốn trong năm vấn đề để chất vấn, tôi cho là phù hợp. Nhiều ý kiến nói tại sao không đưa BOT và y tế vào chất vấn. Thực ra cái đó đã có giải trình. Quan trọng là không phải vì những vấn đề này không được đưa vào chất vấn hội trường mà ĐB không thể chất vấn, không quan tâm. ĐB có thể gửi chất vấn bằng văn bản đến bộ trưởng Bộ GTVT, bộ trưởng Bộ Y tế để có câu trả lời. Nếu chất vấn sớm thì hết kỳ họp là ĐB có thể có câu trả lời về báo cáo cử tri. Thậm chí ngay trong kỳ họp, ĐB cũng có thể nhắc bộ trưởng rằng mình đã chất vấn về các vấn đề đó để thúc đẩy quá trình trả lời.
Các đại biểu Quốc hội giơ bản đăng ký tranh luận tại kỳ họp Quốc hội lần này. Ảnh: CHÂN LUẬN
. Thưa ông, ông là một trong số những ĐB có nhiều phát biểu, chất vấn nóng trên nghị trường. Ông có thấy hài lòng khi nhận được trả lời không?
+ Trước hết, việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng đối với tôi, kể cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây, là khá đầy đủ, dù có những chất vấn được trả lời khá chậm, có khi là vài tháng. Lần này, bốn vấn đề được lựa chọn chất vấn, tôi đều sẽ có những câu hỏi chất vấn.
. Trước đây ông đã chất vấn Thủ tướng về việc vay tiền của Trung Quốc và cho rằng việc vay tiền này có thể gây khó khăn cho vấn đề chủ quyền biển, đảo. Câu trả lời ông nhận được là gì?
+ Bộ trưởng Tài chính hồi đó trả lời rằng cũng không vay nhiều nên không ảnh hưởng. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng có những thông tin không phải lúc nào ĐB cũng được biết hết vì có thể có những thông tin thuộc về bí mật nhà nước. Chẳng hạn đối với vấn đề nợ công, QH được trình bày tình hình chung về nợ công nhưng những số liệu cụ thể như nợ những nước nào, bao nhiêu, sẽ vay thêm những nước nào, định chế tài chính nào… thì cũng không hẳn là lúc nào cũng biết.
. Xin cám ơn ông.
Không bị áp lực khi chất vấn Dù có những chất vấn “nóng” trên nghị trường nhưng tôi không bao giờ chịu những áp lực trước và sau khi chất vấn. Các cấp có thẩm quyền bên hành pháp thường coi những chất vấn của tôi là trên tinh thần xây dựng nên tôi thường không gặp phản ứng tiêu cực nào từ các bộ, ngành, kể cả Thủ tướng. Đợt chất vấn này, tôi sẽ chất vấn một số việc cụ thể theo đơn thư mà cử tri đã gửi tới để không trùng với vấn đề mà các ĐB đã chất vấn. Có thể đó là một việc liên quan đến việc thanh tra một cơ sở khám chữa bệnh liên quan đến Bộ Y tế. ĐBQH LÊ THANH VÂN __________________________ Chất vấn có thể dẫn đến… bất tín nhiệm Có một vấn đề của QH hiện nay là các ĐB thường được bầu cử và đại diện đầu tiên là cho địa phương. Giám sát, nhất là bằng chất vấn, cũng có thể gặp khó vì lý do này. Bởi khi ĐB giám sát quá hiệu quả thì có thể địa phương nói ĐB đó đại diện sẽ bị thiệt hại. Ví dụ, ĐB chất vấn, phê phán một vị bộ trưởng thì các dự án cho địa phương nơi ĐB làm đại biểu có thể bị ảnh hưởng. Như vậy, trong một QH đại diện cho địa phương thì việc giám sát các bộ trưởng có thể sẽ khó khăn. Với cách phân bổ nguồn lực như hiện nay, nếu ĐB gay gắt với trung ương thì có thể địa phương nơi ĐB đại diện bị ảnh hưởng. Mà như vậy thì kỳ sau lãnh đạo địa phương chắc gì đã để người đó làm ĐB nữa. Còn nếu ĐB thuộc trung ương được cử về địa phương mà gay gắt quá thì kỳ sau địa phương không nhận vị đó làm ĐB cho họ nữa. Cho nên mới có chuyện tỉnh nọ có vị ĐB chất vấn rất gay gắt. Sau mỗi lần vị ĐB này chất vấn các bộ trưởng thì trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh đó đều đến gặp các bộ trưởng để phân trần: “Mong anh thông cảm. Ông T. là ĐB của trung ương, chứ nếu là ĐB của địa phương thì chúng em không cho làm thế đâu”. Mới thấy dầu sao ĐB của trung ương vẫn có vị thế độc lập hơn! Những người dám nói như ông Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Minh Thuyết… đều là ĐB của trung ương. Rõ ràng tính đại diện cho địa phương ảnh hưởng đến cả chức năng giám sát và chức năng lập pháp. Tuy vậy, chất vấn vẫn là công cụ giám sát hiệu quả. Chất vấn là để các cơ quan Chính phủ, bộ, ban, ngành có cơ hội giải trình; giải trình được anh được tín nhiệm, không giải trình được anh mất tín nhiệm. Đôi khi chất vấn là cơ hội để các cơ quan này giải thích vì nhiều vấn đề ĐB chất vấn thực ra họ đã giải quyết rồi nhưng muốn có kết quả thì phải chờ thời gian. Nói cách khác, chất vấn sẽ dẫn đến việc tín nhiệm hay không tín nhiệm các quan chức hành pháp hơn là để giải quyết ngay các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi chế độ trách nhiệm được bảo đảm thì Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ giải quyết tích cực và hiệu quả những vấn đề đang được đặt ra. TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm |