Tiếng gọi “bà ơi!” thật to của tôi đưa bà về với thực tại. Ngồi bắt chuyện với bà mới biết bà tên thật là Nguyễn Thị Bông nhưng mọi người xung quanh quen gọi là bà Trình bán sách cũ.
“Đừng nói đọc sách, phải nói là xem sách”
Đều đặn 9 giờ sáng mỗi ngày, tại con hẻm 176 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM, người đi đường dễ bắt gặp hình ảnh bà Trình. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt già nua, khắc khổ, mắt bà cứ nhìn chằm chằm vào trang sách cũ, mặc kệ mọi người xung quanh.
“Quán sách” của bà Trình, gọi là “quán” cho sang, thật ra nằm bên vệ đường, tựa sát vô một cửa nhà dân. Những chồng sách cũ được cột dây hoặc xếp gọn trong bao nylon, nép sâu vào vỉa hè. Kế bên là chiếc xe máy cà tàng cũng của bà. Có được chỗ bán này là nhờ người ta thương, cho bà ngồi bán ké trước cửa hàng quần áo.
Sáng bà Trình lụi cụi lái xe mang sách đến bán, tối khuya lại chất sách lên xe chở về. Mỗi cuốn truyện ngắn hay tiểu thuyết, bà bán đồng giá từ 5.000 đến 10.000 đồng, người ta đọc xong mang tới đổi truyện khác, bù thêm cho bà 5.000 đồng nữa.
Bà Trình có giọng nói sang sảng, lúc mới gặp khó gây thiện cảm. Nhưng tiếp xúc một hồi mới hiểu ấy là một phần cái chất Sài Gòn - thân thiện, thẳng thắn, bộc trực, có chút ngang tàng nữa.
Vẫn bàn tay dí sát sách vô mặt mà đọc, đôi mắt già nua nheo nheo dưới ánh đèn đường. Tôi hỏi: “Bà đọc sách kiểu vậy có thấy mỏi mắt không?”. Bà dừng đọc, bẻ lại ngay: “Cô phải nói là xem sách mới đúng. Vì sao cô biết không? Chỉ đọc thì buồn ngủ lắm, phải xem và chiêm nghiệm thì mới cảm thụ được chi tiết hay, mới nhớ được chớ. Tất cả quyển sách cũ tui bán, tui đều đọc qua, một phần đọc cho biết cuốn nào hay, cuốn nào dở để giới thiệu cho khách, phần đọc khi vắng khách coi như để giải trí. Ở nhà lúc rảnh tui cũng xem, tới lúc buồn ngủ thì thôi. Mắt tui rõ lắm nghen. Coi phim phụ đề, chữ chạy ngang tui thấy hết. Nhưng tui không thích phim hay truyện tiếng Anh. Tui không biết tiếng Anh nên tui… ghét tiếng Anh lắm”.
Rất dễ thương khi có khách hàng đến bàn luận sách cũ. Ảnh: MINH TÂM
Phòng trọ của bà Trình chất đầy sách cũ.
Dưới ánh đèn đường, bà Trình vẫn say mê đọc sách.
Niềm vui thấm trong máu thịt
64 tuổi, bà Trình suốt thời tuổi trẻ bán sách cũ ở góc vỉa hè này. Học hết lớp 3, bà đành phải nghỉ học. “Gia cảnh nhà tui lúc đó nghèo lắm, tui ham học quá mà không có tiền đi học tiếp. Thôi thì nghỉ học, đi buôn bán”. Nói tới đây, giọng bà trở nên… chảnh lạ: “Ờ mà ít học vậy thôi, tui viết chữ đẹp lắm nghen cô. Viết chữ là phải ngay ngắn, thẳng hàng mới dễ coi chớ. Tui có tới năm cuốn tập chép lại những tựa đề hay, chi tiết hay trong sách, bài hát yêu thích. Đọc chữ cuốn tập do chính mình viết sẽ thấy hay hơn những chữ in trong sách”. Rồi giọng bà chùng xuống: “Trong một lần “chạy” vỉa hè, tui bị thu một mớ sách cũ, trong đó có năm cuốn tập đó. Tiếc đứt ruột, cô ơi! Tự tay tui viết mà”.
Tôi theo bà Trình về nhà trọ. Căn nhà đã nhỏ xíu, “gia sản” sách cũ của bà càng khiến phòng ở thêm nhỏ hẹp. Bà tâm sự: “Nhiều lần thằng cháu tui đòi bán hết sách nhưng tui nhất định không bán, vì không có mớ sách cũ đó thì làm sao tui sống được!”.
Đối với bà Trình, việc bán sách cũ không chỉ là chuyện để mưu sinh mà còn là cuộc sống của bà mấy chục năm qua. Đọc sách cũ cũng là niềm vui thấm trong máu thịt của bà lâu lắm rồi…
Nhắc tới sách, gương mặt bà lại dãn ra. Bà bảo khi đọc sách giống như mình đang đi du lịch vậy, thích đi đâu cũng không cần phải tốn tiền. “Chẳng hạn, tui thích đi Trung Quốc xem Vạn Lý Trường Thành thì tui xem truyện của Trung Quốc, trong sách miêu tả rất chi tiết khung cảnh, mình xem, mình cảm nhận và tưởng tượng như đang ở đó. Hay tui muốn đi Đà Lạt thì lại tìm đến những cuốn sách viết về Đà lạt. Tóm lại, tui thích đi đâu là tìm đọc những cuốc sách viết về nơi đó”.
Mém chết vì sách
Bà bảo thích đọc các quyển cẩm nang kiến thức vì biết được nhiều cái hay lắm. Ví dụ biết cách nấu ăn, biết cách dạy con làm người tốt, biết nhiều câu ca dao tục ngữ…
Tôi khá bất ngờ khi nghe bà Trình kể về lịch sử Việt Nam. “Tui thích nhất ông Đề Thám nghen cô, đọc là thấy khí thế của ông Hùm thiêng Yên Thế. Tui thích đọc lịch sử, kiếm hiệp, võ thuật. Nhớ hồi xưa, mê đọc Tề Thiên Đại Thánh, trên báo mỗi ngày đăng từng tập một, tui cứ canh mà đọc. Đọc đi đọc lại riết thuộc luôn. Tui thích mấy truyện kiểu giang hồ trượng nghĩa, vậy đó”. Nói xong bà cười ha hả. Nụ cười sảng khoái, chẳng ngại ngùng gì với vị khách mới quen.
Rồi bà kể thao thao sự tích về hai từ “Sài Gòn”, về hồ Kỳ Hòa, về địa danh bến Tắm Ngựa, hay lịch sử tên các con đường ở TP.HCM…
Bà Trình cho biết có những hôm xem sách mà quên cả ăn. “Bán sách cũ nên ngày nào tui cũng phải xem sách chứ không xem là không chịu được, riết tui trở thành người ghiền sách hồi nào không hay. Lúc đọc là tôi như không còn ở đây nữa, tâm trí tui đã hòa vào câu chuyện trong sách nên thành thử không để ý gì đến xung quanh” - bà Trình nói.
Chị Phụng, người bán nước giải khát sát chỗ bà Trình, cho biết ngày nào cũng thấy bà Trình ngồi trên vỉa hè đọc sách, mặc kệ ai qua lại. Chỉ khi nào có người tấp vào hỏi mua sách thì bà mới giật mình, ngẩng đầu lên bán hàng.
Bà Trình vui miệng kể: “Mê sách, hồi xưa tui còn bày đặt đi… thám hiểm, mém chết đó cô. Năm 1976 gia đình tui đi kinh tế mới ở Tây Ninh. Xã vận động thanh niên đi đắp đường. Tui xung phong, rồi sực nhớ quyển sách mình từng đọc về những điều khám phá thú vị, tui làm thử. Đi sao mà tui lạc vô rừng sâu, bị sốt rét cấp tính, té xuống suối. May mà những người đi đắp đường chung tìm kiếm, phát hiện”.
Chia tay, bà Trình đưa tôi vài cuốn truyện hay bà đã đọc: “Chừng nào còn sức khỏe và được người ta thương tình cho ngồi bán sách cũ trên vỉa hè này thì tôi vẫn cứ ngồi bán và đọc sách cũ mỗi ngày. Cô giữ sách cẩn thận nghen. Tui ghét nhìn thấy ai cầm cuốn sách đọc mà bẻ góc trang để đánh dấu lắm. Làm vậy hư hết sách chứ còn đâu. Phải làm sao để giữ sách không bị cong mép chớ không nhìn mất thẩm mỹ lắm”.
Bán sách cũ kiêm tài xế xe ôm Không chồng, không con, bà Trình ở chung với vợ chồng người cháu họ. Con hẻm 176 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 từng là nơi gia đình bà sinh sống mấy chục năm qua. Nay bà theo người cháu qua trọ tại quận 8. Bà từng có ngôi nhà nhỏ và miếng đất cha mẹ để lại, nghĩ mình không chồng con nên bà quyết định bán nhà, chia cho bà con mỗi người một ít rồi dọn về ở chung với cháu. Hơn 40 năm ngồi bán sách cũ trước hẻm 176, bà Trình tâm sự: “Hồi đó sách cũ bán chạy lắm chứ không phải như bây giờ. Có người còn mua sách của tui gửi ra tận ngoài Hà Nội hay Hải Phòng. Tính ra một ngày tui bán được gần hàng trăm đầu sách cũ, tiền kiếm được cũng kha khá”. Bây giờ, đêm khuya sau khi bán sách xong, bà Trình chạy xe dọc đường từ quận 10 về quận 8 tranh thủ lượm ve chai kiếm thêm tiền. Chị Phụng kể: “Ban ngày, ai kêu bả làm tài xế xe ôm, bả cũng chở luôn chớ không thì bả đâu có đủ tiền sinh sống”. |