Chúng tôi đến làng làm chổi đót khu vực quanh chợ Bình Tiên (quận 6) vào một buổi chiều nắng vàng ươm trên mọi ngả đường. Nhưng nơi những người mẹ, người chị… đang cần mẫn trong từng công đoạn để cho ra một cây chổi quét nhà thì ở đó, màu nắng còn rực rỡ hơn.
Sản phẩm hoàn toàn thủ công
Trên đường Phạm Văn Chí, từ xa hơn trăm mét khách đã có thể thấy những bó cỏ đót chất cao trước cơ sở Chú Năm ở số 321. Ở đây, mặc ánh nắng chiếu xuyên góc, bà Lê Thị Bạch Mai vẫn thoăn thoắt tuốt từng cọng bông cỏ đót màu vàng xám bằng đôi tay nhăn nheo. Bám dày trên đầu tóc và áo quần bà là một lớp bụi cỏ mùi ngai ngái.
Bà Lê Thị Bạch Mai vừa làm vừa kể chuyện 60 năm gắn bó với cây chổi của mình. Ảnh: H.LAN
Xong công đoạn đầu, bà cột bông cỏ lại thành từng lọn nhỏ rồi chuyển sang cho một người đàn ông khác bó lại bằng kẽm. Thân chổi kiểu xưa thì thường bằng cọng đót, sau này có loại thân nhựa, thân gỗ. Loại thân truyền thống thì người bó phải độn thêm cọng đót dư vào cho dày, cầm chắc tay sau đó siết lại bằng dây nhựa hay kẽm tùy theo yêu cầu của khách hàng… Bà Mai nói sức bà tàn rồi nên chỉ xé đót, làm tua, cột lọn thôi. Khâu bện chổi cho chắc để xài được lâu thì cần nhiều sức, nhường lại cho cánh trai tráng. Bà Mai đã theo nghề từ năm 13 tuổi, cái nghiệp làm chổi đã đeo đẳng bà hay ngược lại thì bà không biết nhưng ngót nghét đã được 60 năm!
Xóm chổi đót quận 6 hầu như không có sự xuất hiện của máy móc. “Bây giờ, quy trình làm chổi vẫn như cũ, máy móc chẳng làm thay được. Thợ cũng vậy, phải là người có tay nghề, vì bông cỏ mắc quá, ai mà cho thử việc” - bà Mai nói. Mấy năm trước, bà mua bông cỏ đót về tự sản xuất nhưng con cái bà chê làm cực quá nên không chịu làm phụ. Một mình không thể gồng gánh hết mọi công đoạn, bà đành quay lại xé đót mướn cho người khác. Xung quanh xóm nghề này, ai cũng biết tiếng bà Mai. Ngày công của bà chừng 100.000 đồng đổ lại. Bao nhiêu năm như thế, một mình bà xoay sở sống, không cậy nhờ con cái gì.
Hoàn cảnh của bà Ngô Kim Xuyên ở hẻm 192 Phạm Văn Chí thì có chút vui hơn. Sau mấy chục năm tích cóp, bà có vốn mua bông cỏ đót về sản xuất tại nhà, thợ nghề chính là con cháu của bà. Con bà Xuyên đã có lần đạt giải nhất trong cuộc thi bó chổi do phường tổ chức. “Làm một cây chổi tốn khá nhiều công đoạn, cần nhiều thợ phụ nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. An ủi được cái ở gần nhà, quây quần cùng con cháu là vui rồi” - bà Xuyên nói.
Dạo một vòng quanh xóm, nhiều người thú nhận mình không học hành bao nhiêu, làm chổi như một cái nghiệp truyền đời. “Nghề này khổ, quanh năm bụi bặm nhưng không làm chổi thì không biết làm gì!” - bà Mai tâm sự.
Con trai bà Ngô Kim Xuyên từng đoạt giải nhất cuộc thi bó chổi do phường tổ chức. Ảnh: H.LAN
Vào ra đều gặp khó
Tình trạng khó khăn của nghề làm chổi hiện nay xuất phát ở cả hai đầu. Đầu vào của nguyên liệu lẫn đầu ra của sản phẩm.
Cây đót trên núi mỗi năm chỉ nở vào tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch rồi lụi tàn, về với đất. Bông đót làm chổi phải cắt khi chúng còn non, xanh và chưa nở hoa. Sau khi phơi khô, đót sẽ chuyển sang màu vàng, xám. Bây giờ đót ngày càng hiếm vì nhiều nơi, người ta đã thay bằng bạch đàn để kinh tế hơn.
“Bông cỏ đót ở Gia Lai thường có màu sáng, mịn và dẻo dai hơn ở Trà My (Quảng Nam) hoặc Trà Khúc, Trà Bồng (Quảng Ngãi) nên giá cao hơn. Một cây chổi thường phải trộn các loại với nhau để giảm giá thành. Đót trong nước ngày càng ít đi, có khi phải thu mua đót tận Lào mới đủ. Hiện 1 kg đót giá 40.000 đồng, mỗi cây chổi làm hết ba lạng đót” - ông Trần Giàu, hẻm 256 Phạm Văn Chí, chuyên bỏ đót lại cho các hộ gia công thành phẩm, cho biết.
Nói về thị trường cho sản phẩm, ông Giàu kể: “Đầu thập niên 1990, cùng với việc mở cửa, hội nhập, chổi đót xuất ngoại đến các nước như Đài Loan, Singapore, Indonesia, Campuchia nhưng giờ thị trường này teo tóp dần, khách hàng nước ngoài đã chuyển sang chọn hàng Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan... vì giá thành rẻ hơn”.
Nếu như trước đây sản phẩm của làng chổi đót quận 6 đổ về chợ Bình Tiên và đủ sức cung cấp hàng cho các tỉnh từ Khánh Hòa đổ về tới tận Cà Mau thì nay nhiều hộ đành bỏ nghề vì cạnh tranh không nổi với chổi của người dân miền Trung.
Theo bà Nguyễn Thị Nở thì các hộ làm chổi quận 6 đa phần có gốc gác từ miền Trung, đặc biệt là các xã Phổ Phong, Phổ Thuận (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Những năm 1960, vùng đất Quảng Ngãi bị giặc Mỹ tàn phá nặng nề, bà con lũ lượt kéo vào Nam và mưu sinh bằng nghề làm chổi. “Sau 1975, bà con lại ùn ùn phá nhà quay về quê cha đất tổ, những tưởng nghề chổi cũng lụi tắt theo. Thế nhưng về quê làm ăn khổ quá, họ lại quay lại tiếp tục nghề chổi” - bà Nở kể. Giờ chổi bán không chạy như xưa nữa, bà Nở xé đót để bỏ cho các hộ gia công. Cái vòng lẩn quẩn đó tưởng không bao giờ dứt.
Không biết sẽ còn núm níu với nghề được bao lâu nhưng “còn sức thì còn làm” là câu nói cửa miệng của nhiều phụ nữ vẫn ngày đêm cần mẫn ngồi xé đót. Nghề chổi không giàu được nhưng đã là nguồn sống cho rất nhiều gia đình. Với họ, cái mùi ngai ngái, cái màu vàng xám buồn buồn của bông cỏ dường như đã là một phần của đời sống, của hơi thở hay của chính con người họ mất rồi.
HOÀNG LAN
Hiện còn hơn 20 hộ làm chổi bám trụ với nghề, sống rải rác trong khu vực chứ không tập trung như trước nữa. Phường luôn tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp duy trì ngành nghề bằng cách hỗ trợ vay vốn từ 5 đến 50 triệu đồng tùy theo khả năng, quy mô sản xuất của mỗi hộ theo quy định. Những năm qua, nghề làm chổi đã góp phần giải quyết việc làm cho không ít người lao động tại địa phương. Ông DƯƠNG HUỲNH NHÂN, Phó Chủ tịch phường 4, quận 6 |