Làng nghề Sài Gòn: Linh hoạt hay là chết? - Bài 3

Nhớ hào quang làng giày Khánh Hội...

Trước những năm 1950, làng giày Khánh Hội đón những thế hệ thợ giày đầu tiên di cư từ ngoài Bắc vào lập nghiệp. Với đôi bàn tay khéo léo, thợ giày Khánh Hội đã tạo nên một không khí làm ăn nhộn nhịp vì sản phẩm của họ được người tiêu dùng ưa chuộng. Quận 4 đã một thời được xem là “thủ phủ” của giày Sài Gòn. Các tiệm Sáng, Tiến, Giày Sài Gòn, Khánh Hội… là một phần ký ức đô thị của nhiều người Sài Gòn sinh trưởng từ trước 1975. Thời đó tiệm Giày Sài Gòn có vốn lớn nhất, có thời quy tụ cả trăm thợ vào làm.

Từng là một phần của ký ức đô thị

Sau giải phóng, các thợ giày tập trung lại thành lập tổ hợp giày da và lên hợp tác xã vào năm 1980. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành sản xuất khác, nghề giày cũng vấp phải không ít thăng trầm bởi thị trường thu hẹp, cạnh tranh từ các địa bàn khác và hàng nhập lậu. Càng về sau này, làng giày càng đìu hiu. Nhiều hiệu ngưng hoạt động hoặc có đơn đặt hàng thì mới sản xuất. Giày Sài Gòn không còn nuôi thợ trong nhà, giày Sáng đã giải thể…, những thương hiệu khác còn mở cửa thì sản phẩm bên trong đã có thể dễ dàng mua được ở những tiệm giày thời trang ở quận 1, quận 3.

Nằm trên đường Đoàn Văn Bơ, tiệm giày 555 Tuyết Tiến bị chân cầu Calmette che khuất rất khó nhìn thấy. Đây có lẽ là tiệm giày duy nhất ở khu vực còn nhận “đo ni đóng giày” cho khách. Quận 4 đã một thời là điểm đến đầu tiên khi người ta có nhu cầu được đo ni đóng giày. Nhưng ngày nay, giày sản xuất đại trà tràn lan, hiếm có hiệu nào chịu làm theo ý khách hàng vì vừa mất thời gian, chi phí lại cao nên thu nhập không tương xứng. Chưa kể nhu cầu đo ni đóng giày thường nằm ở hai đối tượng ít ỏi là người có bàn chân lệch chuẩn, dị tật và dân đóng giày để khiêu vũ, thể thao.

Thợ giày Nguyễn Hưng (39 tuổi, tại hẻm 266 Tôn Đản) với hơn 20 năm tuổi nghề. Ảnh: H.LAN

Chị Tuyết cho biết gia đình chồng chị từ Hà Đông - Hà Nội di cư vào Sài Gòn những năm 1945 và phát triển nghề giày ở đây. Gia đình chồng chị mua được mấy căn nhà để lại cho các con. Nhưng “Hiện chỉ có mình tôi còn theo nghề cũng kiêm luôn thợ chính nên chỉ còn cách sản xuất nhỏ lẻ theo ý khách hàng chứ không thể nhận làm nhiều được” - chị Tuyết nói. Gắn bó với nghề giày đã mấy chục năm, chị Tuyết có nhiều khách hàng ruột từ chục năm trở lên, có người đã ra nước ngoài còn gửi form lại, khi cần đặt giày thì gọi là có ngay. Có lẽ từ những điều giản dị như thế mà mùi da thuộc đã trở thành một phần đời không thể thiếu của chị.

Lùi vào hẻm sâu, trở nên không tên

Theo chỉ dẫn của người dân ở đường Tôn Đản, chúng tôi len lỏi vào các hẻm nhỏ nơi những người thợ đang miệt mài gia công hàng loạt đôi giày theo đơn đặt hàng, trong đó có cả những thương hiệu rất quen! Mùi da pha lẫn mùi keo hăng hắc, tiếng máy dập, máy may vang lên khẩn trương. Ông Trần Văn Thẩm ở hẻm 266, năm nay đã gần 50 tuổi vừa gấp mí dép vừa tiếp chuyện chúng tôi.

Ông kể đã học nghề từ lúc chưa đầy 20 tuổi, thầy và đồng môn nay đều trên 80, nhiều người đã mất hay chuyển sang quận khác sinh sống. Ngày xưa các thầy nuôi thợ ở trong nhà, hàng làm không xuể. Một đôi giày thời đó có giá trị đến một hai chỉ vàng nên nhiều thợ theo học để mong đổi đời. Vì có tiếng và uy tín nên cơ sở của các thầy được khách đặt hàng nườm nượp, không cần phải đi kiếm mối chật vật cạnh tranh như bây giờ. Nhờ có nhiều loại máy hỗ trợ như máy chà, đánh bóng, máy ép đế, máy hấp… nên việc sản xuất giày bây giờ đã nhanh và ít vất vả hơn. Tuy nhiên, việc kinh doanh lại khó khăn hơn rất nhiều. Đưa cho chúng tôi xem cuốn catalogue hàng Trung Quốc, ông Thẩm cho biết khách hàng thích mẫu nào thì chọn, cơ sở của anh sẽ nghiên cứu sản xuất đại trà và dán mác theo yêu cầu.

Những hộ làm giày như anh Thẩm hiện rất nhiều ở quận 4. Họ là những người thợ giỏi, sản phẩm của họ có đi khắp nơi, hào quang của làng nghề xưa thì đã trở thành dĩ vãng, tên tuổi rớt lại hoàn toàn trong những con hẻm ngoằn ngoèo!

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Tổng Thư ký Hội Da giày quận 4, thừa nhận ngày càng ít người theo học nghề làm giày da thủ công, trong số đó rất hiếm thợ lành nghề, không ít cơ sở đã bỏ nghề để kinh doanh mặt hàng khác thời thượng và sinh lợi hơn. Sắp tới, nếu cảng quận 4 thành cảng du lịch như quy hoạch, hiệp hội sẽ nghiên cứu mở cơ sở thiết kế giày theo yêu cầu cho khách du lịch để quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống. Ông lý giải sở dĩ giày da quận 4 đã không còn nổi đình nổi đám bởi vì nhiều cơ sở đã không theo kịp xu hướng thời trang hoặc dời qua các quận có quỹ đất rộng rãi hơn để mở rộng quy mô sản xuất, chẳng hạn như thương hiệu giày Vina của ông Vũ Chầm, giày Vinh Thông…

Hàng Trung Quốc du nhập ồ ạt với giá rẻ, mẫu mã lại nhiều và đẹp, cung lại vượt cầu nên các chủ cơ sở phải cạnh tranh khốc liệt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài ra, ngành giày da trong nước khó cạnh tranh lại với hàng Trung Quốc và thế giới vì không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu mà phải nhập khẩu là chủ yếu. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng giày da quận 4 không thể giữ thế độc tôn mãi mà phải chấp nhận cạnh tranh và đổi mới để khẳng định thương hiệu. Ông lo ngại trong tương lai nghề da giày quận 4 sẽ mai một nếu không tổ chức và liên kết các thành viên một cách chặt chẽ. Sắp tới hiệp hội sẽ đẩy mạnh đào tạo thợ, cải tiến chất lượng, mẫu mã giày và khuyến khích tất cả thành viên sử dụng thương hiệu tự sản xuất.

HOÀNG LAN

Không có gì là hiển nhiên bất dịch

Không chỉ có chức năng gắn kết những thành viên trong một gia đình, chòm xóm, làng nghề còn lưu giữ cả những nét đẹp văn hóa đạo đức được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ.

Thực tế đã cho thấy sự ra đời, phát triển hay biến mất của mỗi làng nghề đều gắn với lịch sử phát triển của TP. Những làng nghề nào biết nắm bắt thị trường, thay đổi sản phẩm để thích ứng, vượt qua những trở ngại, biến đổi của xã hội thì tiếp tục tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, làng se nhang Lê Minh Xuân gây ô nhiễm ở khu dân cư nên phải dời ra vùng ngoại thành, nhờ thế cơ hội lại mở ra. Mặt khác, nếu nhu cầu xã hội không còn, đội ngũ kế thừa không mặn mà với nghề thì sự biến mất của làng nghề là không thể né tránh, làng sửa ghe cầu Rạch Ông là một ví dụ.

Vừa qua TP đã đưa chín làng nghề có khả năng phát triển trong tương lai, chủ yếu ở khu vực ngoại thành vào đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2013-2015 như làng nghề muối Lý Nhơn, Làng nghề hoa kiểng Xuân-An-Lộc (quận 12), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn... Đây là tín hiệu tốt. Nhưng được bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Nội thành vẫn còn rất nhiều làng nghề phải tự bơi, tự sống. Nội thành vẫn còn rất nhiều những hộ gia đình âm thầm, cần mẫn gắn bó với công việc đặc thù bao năm qua chỉ đơn giản là nhớ nghề, biết ơn cái nghề đã đem lại cơm áo không chỉ cho bản thân mà cho các con, các cháu, âu đây cũng là cái nghiệp trót mang.

Khi những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị cưa đổ để nhường chỗ cho nhà ga metro thì người dân TP chợt thảng thốt. Dù trước đó, khi hít chung một bầu không khí với những cây xanh hàng trăm tuổi ấy, chúng ta đôi khi quên mất sự hiện hữu thiêng liêng của nó, luôn nghĩ rằng nó cứ vẫn sẽ đứng đó như một hiển nhiên bất dịch. Biết đâu được những làng nghề mà chúng tôi vừa ghé thăm một ngày nào đó cũng không tồn tại nữa. Rồi sẽ thấy ngậm ngùi trong cái vòng luẩn quẩn, khi tiếc nhớ thì đã muộn mất rồi.

___________________________________________

Làng nghề nào cũng tồn tại hay suy vong theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường. Nhất là ở thời đại công nghiệp, sản phẩm hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nét tinh xảo, độc đáo trong những sản phẩm thủ công vẫn có những nét đẹp và bản sắc riêng trong từng sản phẩm. Do đó nếu phát huy được những lợi thế trong sự khéo léo của bàn tay người thợ và giải được bài toán về hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ thì làng nghề mới mong trụ vững. Mặt khác, nguồn nhân lực kế thừa trong các làng nghề mỗi ngày mỗi giảm do thu nhập thấp và giới trẻ không muốn tiếp tục theo nghề của gia đình. Đây là những thử thách chung cho nhiều làng nghề hiện nay.

ThS NGUYỄN THỊ HOÀI HƯƠNG,
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm